Buổi chiều, sau khi dạo một vòng quanh chợ, tôi cùng Vy chọn được một bó hoa cúc, bọc trái cây và bó hương thơm ( thật ra thì tôi chỉ trơ mắt ếch nhìn Vy chọn chứ chả biết thế nào là lựa bông với trái). Xong xuôi đâu đó, hai đứa sóng đôi nhau đạp xe lên nhà thầy, lúc bấy giờ chỉ khoảng 4 giờ chiều, nghĩa là sớm hơn giờ học những 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Sở dĩ tôi chọn đi sớm như vậy là vì …
– Đi gì mà sớm dữ vậy? 5h30 vào học thì 5h mình đến là được mà? – Vy tròn mắt ngạc nhiên khi nghe tôi đề nghị đi sớm.
– Dở, mình đi sớm để tạ tội mà không ai biết, vậy mới đỡ chứ! – Tôi nói ra vẻ như đang làm việc với lí do hết sức chính đáng.
– Ai biết là ai biết? – Em ấy thắc mắc.
– Dở nữa, gần đến giờ học mới tới, lỡ đang quỳ tạ tội thì có đứa học sinh nào nó lên sớm, trông thấy là biết ngay thủ phạm bữa trước chính là N liền! – Tôi giải thích.
– Ông ơi, biết thì đã sao, làm sai phải chịu chứ! – Em ấy lắc đầu thở dài ngao ngán.
– Dẹp, bảo đi sớm là đi sớm! – Tôi sầm mặt nạt ngang.
Thấy điệu bộ tôi oai hùng cóc tía như vậy, Khả Vy hết ham cự lại, líu ríu cho giỏ trái cây vào tay lái xe rồi chạy theo tôi. Nhưng người tính không bằng trời tính, tôi đi sớm để tránh bọn bạn học cũng đi sớm, nhưng lát sau mới thấm thía câu “ Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa “.
Đến nhà thầy Ân là 4 giờ 30 chiều, hai đứa dắt xe vào chùa rồi lững thững đi trên con đường đất đỏ dẫn vào nhà thầy, hai bên hàng cây rủ xuống toả bóng râm mát rượi. Nhưng tôi chả có tâm trạng nào mà đi dạo, toát mồ hôi liếc ngang liếc dọc, mặt gian như thằng trộm gà nhìn lấy nhìn để xem có đứa nào lên lớp sớm không, dẫu biết là giờ này hãy còn sớm lắm, có điên thì mới tới lớp lúc này, tất nhiên là trừ tên tội đồ là tôi ra thì không điên, nhưng trót gây hoạ tày đình nên mới phải dính cảnh đi học sớm trước 1 giờ.
– Êm rồi, tiến lên! – Dòm dáo dác một hồi, tôi khoát tay ra hiệu cho Vy đi theo mình.
– Hì hì, đóng phim à? – Dè đâu em ấy chả có vẻ gì là căng thẳng, che miệng cười khúc khích.
Tôi chả buồn đáp lại, hơi khom người dắt xe thật nhanh về phía hai ngôi mộ ở cạnh vườn nhà thầy, rồi khẽ khàng dựng xe, tháo giỏ trái cây từ tay xe Khả Vy ra.
– Nào, làm cho gọn gàng rồi rút êm! – Tôi nói y chang mấy tên trộm đạo đang hành tẩu giang hồ.
– Phải cẩn thận chứ! – Vy khẽ nhăn mặt vì thái độ hấp tấp của tôi.
Đúng như lời Tiểu Mai nói, quả nhiên là thầy Ân đã thay bộ ấm chén mới trên mộ của mẹ thầy, may mà lúc nãy tôi kịp ngăn lại khi Vy đang định đi vào cửa hàng đồ sứ. Tôi bày biện trái cây ra đĩa, Vy thì cắm bó hoa cúc vàng vào trong bình bông. Xong xuôi đâu đó, Vy lùi ra, tôi thì quỳ xuống và đốt hương, dâng tay ngang trán, nhắm mắt lại và bắt đầu thành tâm, lầm rầm khấn vái:
– “ Dạ… con xin lỗi cụ, hôm đó quả thật là con không cố ý, lần sau con không dám như vậy nữa, con thành thật xin lỗi cụ ạ! “
Rồi tôi dập đầu xuống đất lạy ngôi mộ 3 lần, sau đó lại chắp tay xá 3 lần nữa, rồi mới cắm cây hương vào cái lư trước mặt.
– Rồi, giờ dọn cỏ quanh đây đi! – Tôi nói.
– Ừ! – Vy gật đầu.
Dưới ánh nắng buổi chiều, hai đứa bắt đầu khom người nhổ cỏ xung quanh hai ngôi mộ, cỏ xanh và dày, mọc san sát nhau ở các rìa của phần tường xi măng bao quanh, mọc chìa cả vào hai tấm bia.
– Thấy nhẹ nhõm hơn rồi, tối nay chắc ngủ ngon! – Tôi vừa đưa tay nhổ cỏ thoăn thoắt vừa nói.
– Ừ, thì vậy! – Vy đưa tay quệt mồ hôi.
– Hôm giờ nằm ngủ mà cứ sợ, chả dám nhắm mắt, nghĩ tới cảnh mình tông vào mộ lại hãi hùng! – Tôi rùng mình nhớ lại đêm qua.
– ……….!
– À này, tí nữa Vy lấy cái bọc ny-lon đựng trái cây khi nãy ấy, mình bỏ cỏ dại vô rồi đem ra ngoài bỏ nhé, chứ vứt tùm lum như vầy thì dọn cũng như không! – Tôi vẫn chưa hề biết là mình đang… độc thoại.
– ………!
– Làm xong rồi thì tụi mình ra ngoài vãn cảnh chùa, tí đến giờ thì vào học, há? – Tôi săm soi phủi phụi bụi bám trên tấm bia.
– ………!
– Sao thế? Chả nói gì hết vậy? – Tôi ngạc nhiên, nhìn sang bên thì đã chẳng thấy Vy đâu cả.
Và một giọng nói quen thuộc từ sau lưng từ tốn vang lên, khàn khàn, trầm ấm mà đầy nội lực:
– A di đà phật, biết lỗi sửa lỗi, quay đầu là bờ!
Theo phản xạ, tôi quay phắt người lại, và biết thêm câu châm ngôn nhà Phật vừa rồi hãy còn một vế nữa: – “ Ai ngờ vực thẳm “.
Tôi đứng chết trân nhìn thầy Ân tay đeo tràng hạt, ánh mắt tinh anh thấp thoáng sau hai hàng mi bạc phơ đang nghiêm nghị nhìn tôi, và cũng thoáng nét hiền từ như tiên ông trong cổ tích.
Mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên, tôi đi sớm để tránh tụi bạn học thấy được, thì lại quên mất là mình đi sớm, mà lại bày biện hoa trái ì xèo, đốt hương thơm phức, nhổ cỏ rào rạo thì thể nào thầy ở trong nhà lại chẳng biết được chứ. Đúng là suy nghĩ cho lắm vào rồi cuối cùng cũng bị bắt tại trận, đúng là tính chi cho lâu, cày sâu chết lúa mà!
Theo “ lệnh “ thầy, tôi hồi hộp đi vào nhà, Vy cũng bước theo bên cạnh, nhìn tôi đầy ái ngại, nhưng lại lắc đầu khẽ trấn an tôi:
– Không sao đâu ….! – Vy run run thì thầm, vẻ như chính em ấy cũng không mấy tin gì vào lời an ủi này lắm.
– Ừm! – Nhưng với tôi bây giờ thì lời an ủi đó còn hơn cả thiên binh vạn mã hỗ trợ đằng sau tướng lĩnh, vì ở bất kì tình huống nào, được người thương giúp đỡ thì bao giờ cũng là trợ lực to lớn và chỗ dựa vững chắc nhất.
Vào đến nhà, thầy Ân khoan thai ngồi xuống, đưa tách trà lên hớp một ngụm, nhẩn nha từ tốn. Tôi rùng mình nghĩ chắc thầy sắp sửa nổi cơn lôi đình, vì bầu trời bao giờ cũng yên lặng bất thường trước cơn bão. Mà thầy có nổi giận thì cũng phải tôi, nếu là tôi thì có đứa nào chạy xe tông vô bàn thờ nhà tôi thôi thì tôi cũng đã vít đầu nó xuống mà lên gối kéo chỏ liên tục rồi.
Thầy chầm chậm thưởng trà, Vy hồi hộp đứng đằng sau, tôi thầm vận công giới bị.
– Sao hôm bữa lúc ông hỏi, con không thú nhận con là thủ phạm? – Thầy Ân trầm ngâm.
– Dạ… dạ… lúc đó con..sợ…! – Tôi lúng búng đáp, tim đập bình bịch.
– Chuyện thì cũng đã rồi, ông có làm gì con mà sợ! – Thầy thở dài.
– Dạ…..! – Tôi toát mồ hôi hột
– Thân là nam nhi dám làm dám chịu, có lỗi phải dũng cảm nhận lỗi, biết sai để mà sửa!
– …………!
– Lần này ông bỏ qua cho, lần sau thì phải nhận lỗi ngay đấy, biết không? – Thầy nói.
– Dạ… con không dám có lần sau nữa đâu ạ! – Tôi thật thà đáp.
– Thằng nhóc con, cũng mồm mép lắm, khà khà! – Thầy hiền từ bật cười.
– Dạ….! – Tôi bối rối gãi đầu.
– Con bé kia là sao đây? – Thầy nhìn sang Vy.
– Dạ… bạn con, bữa đó… có mình con tông xe thôi, Vy không liên quan gì hết! – Tôi áp dụng ngay bài học thầy vừa dạy.
– Ừm, vậy giờ hai đứa ngồi đây chơi lát học cùng lớp, hay thầy kiểm tra trước một vài phút? – Thầy hỏi.
– A…dạ… thầy kiểm tra luôn đi ạ! – Tôi nói như máy, đã được tha rồi thì phải làm con ngoan trò giỏi ngay, chơi cái gì mà chơi chứ.
Giờ tan học, chạy xe ra khỏi cổng chùa một đoạn xa rồi mà tôi vẫn chưa hoàn hồn, cái mặt cứ ngu ra vì không tin được là sau khi gây hoạ tày đình, bị bắt gặp tại trận mà vẫn được thầy tha bổng, thiệt đúng là đại hoạ không chết, ắt có hậu phúc mà.
– Hi, nhất N rồi nhé, từ giờ được thầy để ý rồi đó! – Khả Vy tủm tỉm cười.
– Èo, có gì đâu! – Tôi nhún vai vờ khiêm tốn, nhưng trong bụng lại khoái chí tử nhớ lại cái cảnh vừa nãy thầy Ân gật gù nhìn tôi hài lòng, vì tôi giải loang loáng hết mấy câu toán môn Sinh.
– Mà giờ mới biết thầy hiền ghê ha, vậy mà N cũng được tha nữa, chẳng bù với mấy lúc trên lớp, thấy thầy la học sinh mà sợ quá chừng! – Vy cảm khái.
– Ừm, cái đó gọi là … khẩu xà tâm phật đấy, biết chưa? – Tôi giở giọng đạo mạo.
– Bleu, nãy trông nhát như thỏ đế, giờ còn bày đặt lên mặt với ai nữa, bleu bleu! – Em ấy le lưỡi trêu tôi.
– Á à, mô phật, con đang tu, đừng bắt con sát sinh! – Tôi giơ tay kết ấn, miệng khấn.
– Thôi ông, mặt ông không có đi tu được đâu!
– Sao không được? Mẹ tui nói tui có cốt phật đấy nhá!
– Xạo, ông thì có mà tu… hú!
Rồi Vy phá ra cười ngặt nghẽo, tôi ngượng chín người cạnh bên chả biết nói gì. Ác nỗi sao tôi lại đi yêu mến con nhỏ suốt ngày luôn trêu tôi vậy kìa?
Ngày hôm đó, tôi rút ra được hai bài học ình. Đầu tiên là câu nói “ Biết lỗi sửa lỗi “ của thầy sau này có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi, đại ý là làm sai thì cứ nhận sai để mà còn sửa sai cho kịp lúc, đừng để khi sự việc đã banh chành ra rồi thì lúc đó nhận lỗi cũng chỉ thêm phần thiệt thân đầy rắc rối và sự hối tiếc muộn màng.
Bài học thứ hai, là bài học tôi rút ra cho tương lai không xa, đó là sau này khi có con, lúc dạy dỗ thì đừng đánh hay mắng chúng, mà hãy từ tốn làm cho bọn trẻ nhận ra giá trị bản thân chúng trước, rồi hãy nhẹ nhàng chỉ ra lỗi sai. Làm như vậy, con trẻ sẽ nhớ lời chúng ta dạy hơn thay vì là đánh mắng chúng, để rồi một ngày nào đó chúng sẽ chỉ rùng mình nhớ lại khoảnh khắc ta hung dữ mà tránh đi, và có thể lén lút làm điều sai đó ngay sau lưng chúng ta. Chứ không hề biết rằng nếu cứ làm tiếp, chúng sẽ sai ở chỗ nào, và sẽ không biết được hậu quả sẽ nhận được là gì.
Và ở điểm này, thì công nhận là thầy Ân dạy rất ư là chí lí, trước khi làm cho tôi ngoan ngoãn nhận lỗi, thầy đã nói tôi là “ nam nhi đại trượng phu “, đánh ngay yếu điểm ưa nịnh phù phiếm của tôi, mà tôi thì đích thị là con trai đầu đội trời chân đạp đất chẳng sai tí ti ông cụ nào rồi, hề hề!