Sáng sớm, Ấu Nương thức dậy trang điểm chải tóc rồi đi thăm nom hai đứa con. Dương Lăng thì quần áo nai nịt gọn gàng rồi ra sân sau luyện công. Trước tiên luyện một đường “Thập Đoạn Cẩm”, rồi tiếp sau đó là “Chân Vũ Lưỡng Nghi Kiếm”. Dương Lăng trán vừa mới lấm tấm mồ hôi thì đã nhìn thấy Ấu Nương mặc một bộ đồ võ phục trắng muốt, tay xách theo một cây côn xuất hiện trước mặt hắn.
Dương Lăng ngay lập tức thu tay lại, đút gươm vào vỏ bao, thản nhiên tiến lên trước chào ái thiếp một câu, rồi nhanh chóng tìm cớ đi luôn. Hắn luôn lo sợ nương tử đột nhiên nổi hứng muốn tỉ võ với mình.
Kỳ thực… thì Dương Lăng không sợ Ấu Nương, còn chẳng màng đến thắng thua. Hắn chỉ lo rằng những lão đạo trưởng đang ngồi tu luyện thanh tịnh ở dưới gốc cây tùng trên núi Võ Đang kia sẽ bị tên đệ tử nghịch tặc như hắn làm tức giận đến nỗi tẩu hỏa nhập ma.
Ăn sáng xong, Dương Lăng ngồi trong thư phòng cẩn thận rà soát lại một lượt chính sách di dân, chế độ ưu đãi của những đọa dân Giang Nam, cũng như các bước tiến hành, sắp xếp chi tiết các công việc. Sau khi vạch ra kế hoạch từng bước ban đầu thực hiện thì bèn kêu người cầm theo thẻ bài của mình đi gặp Tiêu Phương, mời Các Lão sau khi tan buổi trầu trưa, buổi chiều tới phủ để bàn bạc chuyện quan trọng.
Sau đó hắn cùng chơi trò trốn tìm với con trai và con gái của mình ở vườn hoa sau nhà, mãi cho đến ban trưa, đoán rằng lúc này Vĩnh Phúc Công chúa ắt hẳn đã hoàn thành hết những bài học sớm và những công việc khác rồi, giờ đang là lúc rảnh rỗi. Dương Lăng mới quay trở lại phòng, thay bộ y phục khác.
Dây đai gấm thêu ôm chặt lấy lưng, nạm khảm ngọc và sừng tê giác; tóc tai búi lên gọn gàng, cột khăn vuông vức. Đó tuy không phải là trang phục chính thức của một Vương hầu, thoải mái thư thái nhưng không mất đi phần trang trọng. Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi thì Dương Lăng mới đi tới tiền sảnh. Cao quản gia nhìn thấy Quốc Công gia ra ngoài có việc bèn nhanh chóng kêu một đám gia tướng đi theo hộ vệ.
Bên phía đối diện cổng phủ Dương gia thật nhộn nhịp, phía bên này cầu đỡ hơn một chút, sang bên kia cầu là một quảng trường rộng vài chục trượng trống trải, toàn bộ đều được lát bằng những phiến đá lớn bằng phẳng. Lúc trước để vận chuyển các loại nguyên liệu đá, gỗ khác nhau để tu sửa khu vườn, Ngụy Bân đã làm một con đường rẽ từ quan đạo xuống, sang sửa thật bằng phẳng, xuyên qua Hoàng am môn mà đi dẫn thẳng lên phía trước. Bên trái là dòng sông, hai bên bờ có trồng cây lớn; bên phải là bức tường của Hoàng am cao lớn; ở giữa là con đường vừa rộng vừa bằng phẳng.
Cách Dương gia chừng hai dặm đường, chỗ hơn mười mẫu đất gần núi đó có một dãy nhà được dựng lên. Đó là nơi tá túc của những lưu dân, thợ làm công ban đầu đến xây dựng Hoàng am, nay công trình đã hoàn thành, có một số người tiếp tục đi chỗ khác kiếm cơm, một số lưu dân đi đến vùng đất mới, số còn lại thì vẫn tiếp tục ở lại đây, dựng lên một thôn nhỏ tập trung toàn là những di dân và thợ làm công.
Cũng may là Hoàng am rộng lớn như vậy, không thể bắt Công chúa điện hạ và đám cung nữ theo hầu đi chăm hoa cắt cỏ, quét dọn một đình viện to nhường này được. Công việc quản lý vườn tược, chăm sóc hoa cỏ vẫn còn cần đến đám hạ nhân đi làm, nên những người lựa chọn ở lại đó cũng không cần phải lo lắng về việc làm kiếm sống.
Chính vì sự xuất hiện của cái thôn mới đó nên con đường này đã không còn được tĩnh lặng nữa, người qua người lại, ồn ào náo nhiệt. Kể từ khi Vĩnh Phúc Công chúa rời cung tới Hoàng am, có rất nhiều nữ quyến của các Vương công đại thần, gia đình giàu có quyền quý trong Kinh thành nếu như muốn dâng hương lễ Phật thì đều đến nơi đây. Cho dù Hoàng am có không ít đi chăng nữa thì chỉ có duy nhất tòa Hoàng am này là có Công chúa điện hạ xuất gia tu hành ở đây.
Vì lòng tò mò cũng được, vì muốn lấy lòng Hoàng thượng cũng được, hoặc cá biệt hơn là đơn thuần chỉ vì muốn được đi dạo trong khu vườn của Hoàng gia mà thường ngày chẳng có tư cách được đặt chân vào cũng được… Hoàng am, dù gì thì nơi đây cũng quả thật thu hút được rất nhiều người đến thăm quan, hương khói nghi ngút không dứt.
Vĩnh Phúc Công chúa tu hành ở hậu điện, tiền điện là do Tuệ Thanh Đại sư, một vị ni cô thực thụ được mời từ Hoàng am khác tới, cùng với đệ tử của bà. Liên tiếp những dòng người đến dâng hương ở đây, ai nấy đều công đức đèn hương một cách hậu hĩnh, tiền quyên được ngày ngày đều đặn. Điều đó quả khiến cho Tuệ Thanh lão ni mừng vô cùng. Ngày nào bà ấy cũng ngủ cho thật thoải mái, đếm tiền đến mỏi cả tay.
Vệ đội của Dương Lăng đi đến đầu cầu nhìn thấy cảnh tượng náo nhiệt trước mặt. Trước cửa Hoàng am, ngựa xe như nước, nào là những người đi dâng hương, bán hoa quả, bán trứng bắc thảo, bán hương, xem bói, rồi lại còn có cả đoán chữ vẽ tranh nữa. Người qua người lại vai kề chân nối.
Lưu Đại Bổng Chùy ưỡn cái bụng lớn của mình ra, chun cái mũi thô một cái, nói chừng không hài lòng:
– Công chúa điện hạ tính tiền hiền hòa, không để tâm đến những chuyện này, nhưng cũng không thể loạn đến mức này chứ. Nếu không may có tên thích khách nào đó lẩn trốn vào trong, trở tay không kịp thì làm sao mà bảo vệ Quốc Công gia được cơ chứ?
Đôi mắt bé như hạt đậu của gã chừng lên một cái, khua tay quát:
– Tới đây, mau dẹp hết những người không phận sự ở đây đi cho ta.
– Vâng!
Vài tên tráng đinh ngay lập tức xông lên phía trước, quát lớn:
– Giải tán, giải tán đi. Tất cả mau tránh hết ra. Hoàng am trọng địa, ai cho phép các người bày hàng quán ở đây vậy? Nộp thuế à? Nộp thuế cũng không được, tất cả đều lui hết đi, Uy Quốc Công gia muốn vào Hoàng am thăm Công chúa điện hạ, tất cả đều lui hết ra!
Dương Lăng vừa mới đi lên trên cầu, nhìn thấy cảnh tượng đó tức giận đến nỗi suýt ngất. Hắn sát khí đằng đằng gọi Lưu Đại Bổng Chùy tới trước mặt, hai mắt trợn trừng lên nhìn gã, hai chân buồn bực không yên, hận một nỗi không đạp được cho gã một cái văng ra khỏi cầu luôn: