Thấy Tạ Thiên, Hoằng Trị mừng rỡ:
– Ái khanh đến thật đúng lúc, trẫm đang định sai người đến Đông cung tìm khanh đây.
Trông thấy hai vị đại học sỹ Lưu Kiện và Lý Đông Dương đều có mặt, Tạ Thiên ngạc nhiên hỏi:
– Bệ hạ, đã xảy ra chuyện lớn gì sao?
Đứng ở một bên, Lưu Kiện thuật lại cho Tạ Thiên biết tin tiểu vương tử Bá Nhan Khả Hãn của Bắc Nguyên vừa rút quân thì Hỏa Sư lại đi đường vòng đánh sâu vào trong biên giới để cướp bóc, sau đó lại nhắc lại những ý kiến bất đồng vừa rồi một lượt. Tạ Thiên nghe xong liền lắc đầu quầy quậy, sau đó tâu với hoàng đế Hoằng Trị:
– Bệ hạ, việc binh đao là thứ hung khí của thiên hạ, cái dũng cũng là thứ hung đức trong thiên hạ, ấy đều không phải thứ mà người quân tử nên dùng!
Dân Mông Cổ dã man, coi giết chóc như cầy cấy. Nếu thượng quốc thiên triều ta cũng bắt chước bọn chúng, lấy đạo người đối đãi người, khó tránh khỏi sẽ gây ra chiến tranh dồn dập, trăm họ lầm than, ruộng đồng bỏ hoang, cỏ gai mọc rậm, như thế há chẳng phải đã trái với đạo nhân nghĩa sao?
Đại Minh ta là nước văn minh lễ nghĩa, vừa không cần cướp đoạt của cải của người khác, lại chẳng mong nô dịch bọn người hoang dã man di, cớ gì phải xuất binh viễn chinh chứ? Giờ đây thiên hạ thái bình, chính trị trong sạch, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, duy chỉ phải lo việc thiên tai nhân họa. Theo thần thấy, chúng ta chỉ cần phái tướng thủ cửu biên (*), canh phòng nghiêm ngặt, ngăn bọn man di ngoài biên cương là được rồi.
Hỏa Sư đã có thể theo đường mòn tập kích Diên Khánh, rõ ràng là phòng tuyến biên thuỳ của ta đã có sơ hở. Thần cho rằng nên đắp thêm Trường Thành đoạn Bát Đạt Lĩnh ở Diên Khánh, xây dựng biên thành, đóng binh trấn giữ, đại sự tất sẽ ổn định.
(*): Cửu biên bao gồm Liêu Đông, Tuyên Phủ, Đại Đồng, Duyên Tuy, Ninh Hạ, Cam Túc, Kế Châu, Thái Nguyên, Cố Nguyên.
Nghe lý luận của lão, Hoằng Trị hơi cảm thấy không vui. Việc binh là thứ hung khí của thiên hạ ư? Không có thứ hung khí này, Đại Minh từ đâu mà có? Cái dũng là thứ hung đức trong thiên hạ ư? Thế nhưng mỗi một vị hoàng đế khai quốc, kể cả Thái Tổ, Thành Tổ, có ai mà không dùng binh đao để bình thiên hạ chứ? Chẳng lẽ phải đợi hoàng đế triều trước thoái vị hay sao?
Nhưng những lời Tạ Thiên nói đều là câu chữ của các bậc Tiên hiền, tuy Hoằng Trị là đế vương nhưng cũng không thể phản bác thẳng thừng. Trong mắt của những kẻ có học trong thiên hạ, văn chương đạo đức của các bậc Tiên hiền chính là khuôn vàng thước ngọc, mãi mãi bất khả xâm phạm. Hết cách, Hoằng Trị đành buồn bực nói bằng giọng không vui:
– Thôi, trẫm đã truyền Thượng thư bộ Binh Lưu Đại Hạ vào cung rồi, cứ chờ nghe ý kiến của ông ta rồi hãy quyết định chuyện này vậy.
Một lát sau, bên ngoài ngự thư phòng vang tới một giọng nói sang sảng tựa chuông đồng:
– Thần, Thượng thư bộ Binh Lưu Đại Hạ, phụng chiếu tấn kiến!
Hoằng Trị nghe vậy bèn tức tốc triệu vào. Lưu Đại Hạ là một ông già đã bảy mươi, râu tóc bạc phơ nhưng tinh thần vẫn quắc thước, vóc người cao lớn, lời nói và cử chỉ đều toát ra vẻ dũng mãnh, rất có uy phong của một người cầm quân. Triều đại của Hoằng Trị có hai vị thượng tướng quân già như Hoàng Trung(*): một là Lưu Đại Hạ, vị kia là Vương Việt (1), đều là “gừng càng già càng cay”.
(*): Lão tướng nhà Thục trong Tam Quốc Chí
Phẩm hàm và công trạng của Vương Việt thậm chí còn trên Lưu Đại Hạ. Năm xưa ông ta từng là Thượng thư bộ Binh, sau cai quản toàn bộ tam biên (*), năm bảy mươi tuổi còn đích thân cầm quân viễn chinh, ruổi ngựa đến dưới núi Hạ Lan, tập kích phá tan doanh trại dài mười dặm của tiểu vương tử, thu được được vô số lạc đà, ngựa, bò, dê và vũ khí. Ông ta lắm mưu nhiều kế, đánh cho tiểu vương tử vừa nghe thấy tiếng là bỏ chạy, được luận công tấn thăng hàm Thiếu bảo. Cai quản tam biên, nắm quyền đại tướng, cả triều đại nhà Minh cũng chỉ có một mình ông ta mà thôi.
(*): Chỉ ba vùng Diên Tuy, Cam Túc, Ninh Hạ.
Đáng tiếc khi ấy chính là giai đoạn mà đại gian thần thái giám Lý Quảng – kẻ cổ xuý cho phong trào trường sinh bất lão, thành tiên, thành đạo – nắm quyền. Vương Việt biết rõ mình làm tướng ở biên cương, phải viễn chinh Thát Đát xa mấy nghìn dặm, sợ nhất chính là có người trong triều cản trở ở sau lưng, bởi một khi lương thảo ngắt quãng, hậu cần gián đoạn, thì sẽ bị rơi vào tình trạng cô lập.
Để được sự ủng hộ của Lý Quảng, không đến nỗi phải chịu đủ khó khăn trên đường viễn chinh, Vương Việt sai người kết giao mua lòng hắn ta, thậm chí còn chia cho hắn một phần chiến công. Được lợi ích, lại có cả chiến công, lúc ấy Lý Quảng mới tận tâm tận lực kiến nghị với hoàng đế khiến cho triều đình dốc sức ủng hộ Vương Việt.
Nhưng sau khi Lý Quảng bị bệnh mất, trong nhà lục được vô số vàng bạc châu báu, bị định tội đại gian đại ác, không chỉ bè đảng bọn Lý Quảng bị sụp đổ, mà Vương Việt vì có quan hệ mật thiết với hắn nên cũng bị đám ngự sử ngôn quan dâng tấu hạch tội đủ điều, trách mắng là bè đảng gian thần.
Trong mắt của những kẻ thư sinh đó, một khi gian thần lộng quyền, cho dù chỉ lo giữ thân mình thì cũng không được làm trái với lời dạy của các bậc Tiên hiền thuở xưa, dù cho có là “vờ thuận a dua để đạt mục đích” cũng tuyệt đối không được. Huống chi bất luận bây giờ ông nói lời vàng ngọc như thế nào, ai biết được lúc trước ông nghĩ gì chứ? Chẳng phải lúc nào ông cũng xoen xoét “ta không vào địa ngục thì còn ai vào địa ngục” ư? Vậy ông hãy xuống địa ngục đi!
Vương Việt dẫn quân rong ruổi nghìn dặm, phá địch như chẻ tre, ở tuổi thất thập cổ lai hi mà còn đánh cho thiết kỵ Mông Cổ không còn manh giáp, rốt cuộc không những không được vùi thây nơi sa trường mà còn bị bọn ngôn quan của Đốc Sát Viện hết kẻ này đến kẻ khác dâng tấu mắng chửi, uất ức mà chết.
Lưu Đại Hạ là trọng thần trong triều, lần lượt phò tá ba vị hoàng đế Anh Tông, Hiến Tông, Hiếu Tông, là nguyên lão tam triều đức cao vọng trọng. Lão là người làm việc quả quyết, giỏi việc binh đao, lại vô tư chính trực, cho nên dù bọn Lưu Kiện vẫn luôn xem thường võ tướng, nhưng lại khá kính trọng vị Lưu thượng thư này.
Lưu Đại Hạ xem xong tấu báo quân tình liền trầm ngâm một hồi lâu, rồi sau đó khẽ lắc đầu nói:
– Bệ hạ, thần cũng cho rằng… nên canh phòng nghiêm ngặt chứ không nên đưa quân ra biên ải!
Lưu Kiện, Tạ Thiên, Lý Đông Dương nghe vậy đều thở phào nhẹ nhõm.
Miêu Quỳ lại đưa mắt nhìn trời, vô cùng tức giận. Lão biết, tuy Lưu Đại Hạ nói vậy phần lớn là do việc công, nhưng trong đó chưa hẳn đã không có chút tư tâm nào. Lưu Đại Hạ cùng nội quan (thái giám) trong triều tranh đấu đã nhiều năm, coi hoạn quan như rắn rết, chỉ cần là kiến nghị mà do nội quan đưa ra, bất luận đúng sai trong lòng lão cũng đều phát sinh vài phần cảnh giác.
Thuở Trịnh công công bảy lần đến đại dương phía Tây, thế lực hoạn quan đang hùng mạnh. Lưu Đại Hạ cho rằng viễn dương đến nước khác là sai lầm về mặt chính trị, là điều động binh lực một cách vô bổ, lại sợ thế lực hoạn quan mượn chuyện này để phát triển quyền lực, trở thành đại họa cho triều đình, do đó khi Anh Tông muốn tiếp tục viễn hành, lão liền bất chấp lý lẽ mà can ngăn. Nghe nói bản đồ hàng hải của Trịnh công công đã bị hủy trong tay lão.
Năm Thành Hóa thứ mười bảy, An Nam (Việt Nam) xâm lấn Lào, thất bại. Khi ấy Uông công công Uông Trực muốn thừa cơ chiếm lại An Nam đã không còn ngoan ngoãn vâng lời Đại Minh, bèn nhờ bộ Binh tìm lại bản đồ của An Nam trước kia.
Lưu Đại Hạ cho rằng một khi chiến sự nổ ra, thua thì tử thương thảm trọng, thắng thì thế lực hoạn quan mạnh lên, vì vậy lại đem bản đồ An Nam giấu mất, không chịu giao. Chính sách bế quan tỏa cảng, tự bảo vệ mình rất được bọn sỹ phu tán đồng, cho nên ngay cả kẻ quyền khuynh triều chính như Uông Trực cũng không có cách nào gây khó dễ cho lão.
Giờ đây lão nói như vậy, chẳng lẽ là sợ hoạn quan sẽ lại đắc thế một lần nữa? Miêu Quỳ vừa nghĩ vừa lạnh lùng liếc nhìn lão, ánh mắt đầy vẻ oán hận. Nhưng Lưu Đại Hạ là thần tử được Hoằng Trị sủng ái nhất hiện nay, lão ta cai quản vùng Hoàng Hà, quét sạch phản tặc, đốc quản quân lương, làm quan thanh liêm, có thể nói là trên dưới triều đình ai nấy đều ca ngợi. Tuy rằng Miêu Quỳ cũng được sủng ái, nhưng cũng không dám khinh suất dây vào.Chánh giám quân Diệp ngự sử là một gã quan văn, lại đã chết trên chiến trường. Không ai muốn bất chấp liêm sỉ, có thể khiến cho thân bại danh liệt mà đi tố cáo một thư sinh đã “chết trận” chốn sa trường, huống chi còn có gần trăm ngòi bút của Đốc Sát viện ra sức ủng hộ gã ta.
Còn vị Lưu công công đó lại là hoạn quan trong đại nội, là tâm phúc bên cạnh Thái tử, tuy rằng hiện giờ không quyền không thế, nhưng rất được Thái tử coi trọng. Hơn nữa lão là giám quân do đích thân thánh thượng cắt cử, chỉ trích lão sẽ khó tránh có ý ngầm nói thánh thượng dùng người không sáng suốt, cho nên càng không có kẻ nào dám vạch lỗi của lão ta.
Thế là người phải gánh chịu hết thảy mọi tội danh và trách nhiệm này không còn ai khác ngoài gã.
Thoạt đầu Hà tham tướng nghĩ rằng cùng lắm mình sẽ chỉ bị phán tội tham công rơi vào bẫy địch, nặng nhất cũng chỉ là tước quan giáng chức mà thôi. Sau đó khi thấy quan cai ngục vốn lúc đầu còn có chút ý tốt với mình ngày càng trở nên lạnh nhạt, về sau thậm chí còn không cho phép gia quyến vào thăm, đến lúc đó gã mới cảm thấy không ổn. Đến khi tam đệ dùng tiền hối lộ cai ngục, lén vào thăm gã, gã mới hay non nửa quan viên kinh sư đều đang bị cuốn vào trong vụ luận tội này.
Hà tham tướng lập tức ngã lòng nản chí. Gã ở trong quan trường lâu năm, sao lại không biết quy củ của quan trường chứ? Chuyện đã ầm ĩ lên đến mức này, kết quả của vụ luận tội tất nhiên sẽ đi vào ngõ cụt. Muốn tháo gỡ những mối rắc rối ấy, mười phần thì có tám, chín là sẽ bắt gã chết thay, phủi tay cho xong hết mọi chuyện.
Hà tham tướng ngậm ngùi căn dặn tam đệ không cần lãng phí tiền bạc ở trong kinh thành vận động nữa, hãy tức tốc trở về quê chăm sóc mẹ già. Sau đó gã lại đau khổ nhờ em trai chuẩn bị thêm một cỗ áo quan, rồi buồn bã nói:
– Mẹ già đau ốm liệt giường, ta thân là con trưởng lại không thể ở bên cạnh báo hiếu, chỉ đành xuống suối vàng tiếp tục phụng dưỡng mẹ mà thôi.
Tam đệ của gã trào lệ mà đi, từ lúc đó Hà tham tướng chỉ ôm lòng chờ chết. Mấy ngày nay, tóc đen trên đầu gã đều đã biến thành hoa râm. Hôm nay khi Cẩm Y Vệ cầm thánh dụ đến đại lao bộ Hình, Hà tham tướng vẫn ngỡ rằng giờ chết đã tới, không ngờ nghe được lại là tin mình được thả ra khỏi ngục.
Hà tham tướng vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Gã dò hỏi thị vệ Cẩm Y Vệ mới hay dịch thừa Kê Minh là Dương Lăng đã vào kinh làm thái tử thị độc. Không ngờ cái tên dịch thừa nhỏ nhoi mà vốn chưa từng được gã để vào mắt khi đó lại trượng nghĩa trực ngôn, liều chết khuyên can, bù công đắp tội cho gã ở trước mặt bệ hạ, nên giờ gã mới được sống sót rời khỏi đại lao.
Tuy bộ Binh giáng gã xuống làm Phó thiên tổng, đày tới tận Quảng Tây xa xôi, nhưng so với tâm lý trông chờ cái chết, đây đã là kết cục không thể tốt hơn rồi.
Đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới thấu được thay lòng người. Hiện giờ trong lòng Hà tham tướng, Dương Lăng không khác gì cha mẹ tái sinh ra gã. Tuy loại võ tướng truyền thống như gã có rất nhiều tật xấu và khuyết điểm, nhưng tấm lòng trung nghĩa chính trực cùng với tâm lý có ơn tất mong được báo cũng là tiêu chuẩn đạo đức đã được gieo sâu vào lòng từ bé.
Hà tham tướng cũng không cần phải đi Quảng Tây nhậm chức ngay, nhưng trong nhà mẹ già bệnh nặng khó qua, nếu trước khi mẹ chết không thể gặp mặt một lần thì gã thật sẽ hối hận vô cùng, cho nên nóng lòng muốn về quê. Vừa nhận văn thư bổ nhiệm của bộ Binh xong, gã lập tức chạy đến Dương phủ, định bụng bái tạ ân nhân cứu mạng xong là sẽ lập tức lên đường.
Vừa đến trước cửa nhà Dương Lăng, thấy trên cửa treo chiếc khoá đồng, Hà tham tướng không khỏi ngẩn người. Theo lời người của Cẩm Y Vệ kể thì khi Dương thị độc vào kinh, phu nhân của y cũng đi theo cùng, sao trong nhà lại không có ai như thế này chứ?
Một lão già bày sạp bán đế lót giầy, khăn thêu lẫn hạt dưa, táo tầu trong ngõ trông thấy gã bèn cất cao giọng hỏi:
– Này, ngươi là ai thế? Là khách nhà Dương thị độc Dương đại nhân à?
Hà tham tướng dắt ngựa bước qua, ôm quyền hỏi:
– Vâng, lão ca quen người nhà họ Dương sao? Thế có biết người Dương phủ đi đâu rồi không?
Lão già dương dương tự đắc đáp:
– Biết chứ, sao không biết cho được!? Nhà ta ở sát bên nhà họ Dương đấy! Dương đại nhân là thị độc bên cạnh thái tử, là cận thần bên cạnh thiên tử, mỗi ngày đại nhân đều vào hoàng cung, ta sao lại không biết chứ?
Ta đã cố ý dậy thật sớm mới thấy được hình dáng của Dương đại nhân khi đi chầu đấy! Chậc, chậc, ta thì chưa gặp thiên tử bao giờ, nhưng người bên cạnh thái tử đã là một nhân vật như vậy, có thể tưởng tượng được tướng mạo của vạn tuế gia sẽ như thế nào rồi đấy. Nếu không sao người ta lại nói hoàng đế là chân long, là Tử Vi Tinh Quân (*) trên trời xuống cõi phàm chứ…
(*): Mỗi ngôi sao được đặt một tên riêng. Theo thần thoại Trung Quốc thì mỗi ngôi sao có một vị Tinh quân trông coi, mỗi vị Tinh quân đó lại có một tên riêng, sao Tử Vi đại diện cho bậc đế vương.
Hà tham tướng nhíu mày nghĩ bụng: “Sao người ở nơi này lại nói lắm thế nhỉ? Vừa mở lời là đã là một tràng bất tận, đợi thêm lát nữa ai mà biết được lão ta sẽ nói đến tận đâu.”
Gã vội ngắt lời lão già:
– Vậy xin hỏi lão ca có biết người nhà Dương đại nhân đi đâu không?
Bị ngắt ngang lời, lão già hơi cảm thấy khó chịu. Lão khoát tay nói:
– Dương đại nhân đương nhiên là đang ở trong cung cùng với thái tử gia rồi, thế mà cũng phải hỏi? Còn Dương phu nhân thì đã ra ngoài mua đồ ăn rồi. Dương đại nhân đó là người bên cạnh thái tử gia cơ đấy, hê hê, vậy mà thanh liêm lắm đó, cả kiệu phu cũng không thuê, đến giờ mỗi ngày vẫn đi bộ đến Tử Cấm Thành, trong nhà thì một mình Dương phu nhân giải quyết mọi việc. Dương phu nhân này quả thật là người vợ xinh đẹp hiền thục, dáng người như hoa như ngọc, thật xứng với một nhân vật tuấn tú như Dương đại nhân…
Hà tham tướng vái sâu, cảm tạ:
– Đa tạ lão ca!
Đoạn gã xoay người quay lại đi tới trước cửa nhà Dương Lăng, đứng lặng im hồi lâu, rồi đột nhiên buông cương ngựa, quỳ sụp gối dập đầu xuống đất.
Lão già bán tạp hoá trợn mắt nhìn gã đàn ông đầu bù, tóc hoa râm, dáng người gầy gò đen đúa, râu ria xồm xoàm đang quỳ gối dập đầu trước cửa nhà Dương Lăng. Sau khi cung kính dập đầu ba cái, gã đàn ông nhảy phóc lên ngựa, ra roi phóng vút đi.
Một lúc lâu sao lão già mới sực tỉnh, nhếch cái miệng đã rụng hết răng lên. Trăm nghìn câu chuyện bắt đầu được ấp ủ trong trí tưởng tượng phong phú của lão.
Chú thích:
(1) Vương Việt, tự Thế Xương, người Tuấn huyện, tướng lĩnh vào giai đoạn giữa đời Minh. Theo sử sách, ông có vóc người cao lớn, khoẻ mạnh, thiện bắn cung, rất có mưu lược. Năm Cảnh Thái thứ hai đỗ tiến sỹ.
(2) Loại kịch trong đó nhân vật biểu diễn được cắt hình từ da thú hoặc giấy các-tông.