Ninh Vương gia chí lớn tài mọn, nhưng khi làm việc lại rất sôi nổi, vô cùng năng suất, lão lập tức di giá đến điện Ngân An, vì buổi sáng đã có trung quan chuẩn bị sẵn hoàng quan long bào nên lão mặc long bào ngay tại chỗ.
Văn võ quan viên ở bên dưới nhìn khung cảnh trước mắt, có chỗ nào giống chuyện lâm thời nghĩ ra rồi lập vị tại chỗ? Rõ ràng là đã có sự chuẩn bị từ trước, chỉ dựa vào tấm long bào chính tông kia, nếu như không phải mất một năm thì không thể nào làm được, nhưng có ai dám nói ra, chỉ biết dưới sự chỉ huy của trung quan, đồng loạt quỳ xuống hô vạn tuế.
Lý Sĩ Thực dâng lên hịch văn thảo nghịch đọc ngay tai điện. Bài hịch văn này được y viết trong thời gian một đêm, khai trừ niên hiệu Chính Đức, đăng cơ làm hoàng đế, niên hiệu Thuận Đức, phong Lý Sĩ Thực, Lưu Dưỡng Chính làm Tả Hữu thừa tướng, gia phong công tước; lại phong Giang Tây bố chính Trương Luân làm Binh bộ thượng thư. Tiếp theo là đến những ái thê của Ninh Vương và văn võ bá quan đến chúc thọ, ai ai cũng được phong thưởng, nhưng quyền lực nắm binh thì Ninh Vương lại không dám giao cho bọn họ.
Ninh Vương hạ lệnh một tiếng, thổ phỉ sơn tặc của các sơn các trại đã đứng đợi rất lâu bên ngoài điện Ngân An lập tức lên điện kiến giá, Ninh Vương phong đạo tặc Động Đình Dương Tử Kiều làm Hành quân tổng đô đốc, Đại Cẩu Tử làm phó đô đốc, Ngô Nhập Tứ và Lăng Thái làm đô chỉ huy, phong thủ lĩnh của Hồng Anh Hội Vương Tăng Vũ làm đại sư công, lý Tả Đồng làm phó sư công, Dương Thanh làm tổng sư công, từng người một đến lĩnh quân, còn đại pháp sư Lý Tự Nhiên được phong là Hộ quốc đại pháp sư.
Những quan lại được phong chức trên điện Ngân An, vừa có phẩm bậc của triều đình, lại vừa có danh hiệu của bang hội trong giang hồ, mới nghe qua mà đã thấy chuyện này chẳng ra đầu ra đuôi. Hơn nữa, sự liên quan, ràng buộc lẫn nhau giữa cách quan viên lại không có. Chỉ mới nghe qua mà các văn võ quan viên vừa mới đầu hàng ai ai cũng chau mày nhăn mặt, căn bản là không dám hi vọng một vị Vương gia như vậy sẽ có được hùng tài đại lược của Yến Vương Chu Lệ để thành công đoạt quốc, nhưng trước mắt nếu không phục tùng thì họ chỉ có một con đường chết, họ chỉ có thể đi tới đâu hay tới đó.
Ninh Vương lại hạ lệnh sai người đi sao chép hịch văn của Lý Sĩ Thực thành hàng vạn bản. Trong bài hịch văn này có kể ra hai mươi tội lớn của Chính Đức, tội thứ nhất chính là giả mạo con nối dõi của tiên đế. Ninh Vương hạ lệnh đem dán hịch văn ở khắp mọi nơi trong thành, đồng thời phái thêm rất nhiều thám tử đi tới khác như Cửu Giang, An Khánh, Cát An dán thêm cáo thị tạo thanh thế. Ngoài ra lão còn hiệu lệnh cho quan viên ở các nơi còn lại quy thuận tân hoàng, làm khai quốc công thần.
Tam vệ của Ninh Vương có khoảng một vạn tám nghìn người, nhưng sau khi lão nắm giữ tam vệ đã bí mật mở rộng. Thời gian qua truyền thống tốt đẹp của quân đội Đại Minh là hưởng không lương, mà Ninh Vương làm phản lại đi theo một con đường riêng, trên danh sách dâng lên, quân đội chỉ có một vạn tám nghìn người nhưng trên thực tế, sau khi chiêu nạp thêm tân binh, số người đã được tăng lên gấp đôi, lão đã hoàn toàn sử dụng tiền của mình để tư phát quân lương cho họ.
Đồng thời, thủy tặc của hồ Bà Dương, hồ Động Đình, sơn tặc trong vùng Giang Tây và các bang hội của Nam Xương cũng ngay lập tức chiêu nạp thêm lưu manh du côn, những tử tù phạm tội mới được thả ra từ trong ngục giam cũng tổ chức thành một đội quân khoảng ba vạn người. Cứ như vậy, binh lực của Ninh Vương nhanh chóng tăng lên bảy vạn người.
Ninh Vương lại sai người quay về nha môn cùng với các vị quan viên, thu hồi tiêu hủy ấn tín của bọn họ, đem tất cả quân chính sự vụ đưa về phủ Ninh Vương, đồng thời tất cả các sai dịch, bộ khoái, tuần kiểm và dân đoàn của các nha môn đều được tập trung lại, vậy là lão đã có thêm được hai vạn người nữa. Như vậy tổng binh lực của lão có chín vạn người nhưng lão lại tung tin ra bên ngoài là lão có 15 vạn.
Những năm gần đây, vùng Giang Tây, những quan viên được Ninh Vương Tiến cử, đề cử và mua chuộc cũng không hề ít, hơn nữa thanh thế Ninh Vương tạo phản đã được lan truyền nhanh chóng. Sau khi khởi binh, lão đã tập hợp được một đại quân, biểu hiện giả tạo của đám binh hùng tướng mạnh này cũng đã mê hoặc được một số phần tử khác, trong đó, quan lại các phủ huyện xung quanh đến đầu hàng quy thuận cũng không ít, điều này khiến cho Ninh Vương càng thêm đắc ý, tự tin, lão liền quyết định lập tức xuất binh, tấn công Nam Trực Lệ.
Thành Nam Xương là một vùng đất trọng yếu, cho nên vô cùng nguy hiểm, các phủ xung quanh lại không có đủ đủ lực lượng để trợ giúp cho lão, cho nên Ninh Vương chỉ để lại năm nghìn binh mã, cộng thêm gia đinh, tôi tớ, tá điền của thế tử Ninh Vương Chu Tòng và của các đệ chất quận Vương khác, một đội quân bảo vệ thành được hình thành với tổng số quân là một vạn người.Năm đó, Chu Lệ khởi binh tạo phản, đại tướng triều đình Lý Cảnh Long cũng đã từng thống lĩnh đại quân, ý đồ tấn công căn cơ trọng địa của Yến Vương Bắc Bình, nhưng người bảo vệ Bắc Bình lúc đó là con trai của Chu Lệ Chu Cao Sí. Chu Cao Sí đã dựa vào số binh lính cực kỳ ít ỏi mà bảo vệ thành công Bắc Bình cùng mấy chục vạn dân chúng xung quanh, từ đó tăng cường chi viện cho Chu Lệ hành động, hoàn thành đại nghiệp Tĩnh Nam. Hiện tại, Ninh Vương chính là Yến Vương tự xưng thứ hai rồi.
Ba ngày sau, hoàng đế Thuận Đức vừa mới đăng cơ Chu Thần Hào dẫn theo đại quân “15 vạn” người của lão, thủy bộ đồng hành, hùng hùng hổ hổ tiến về Nam Trực Lệ. Trạm thứ nhất, chỉ với một ngày là phá được Cửu Giang, “quân Thuận Đức” nhất thời sĩ khí tăng cao, dáng vẻ ngạo mạn ngút trời.
Sự tự tin của Hoàng đế Thuận Đức Ninh Vương Chu Thần Hào ngày càng được nâng cao, lão cho rằng bản thân mình cứ men theo Giang Bắc đi lên, ngày sau là có thể định đô ở Nam Kinh, có được địa vị ngang hàng với Bắc Kinh, thế nên lão càng hạ lệnh phái người tốc mã quay về Nam Xương, đón Lâu phi và trăm vị phi tần thị tiếp lại đây. Lão dự định, sau khi tiến vào hoàng thành Nam Kinh, ngay lập tức lão sẽ phân phong tam cung lục viện, 72 phi, đường hoàng làm hoàng đế.
Cùng lúc đó, đại quân của lão vẫn đang gấp rút tiếp tục tiến quân. Quân tiên phong chính là thủy quân, chúng cũng sắp tới An Khánh, nơi này chính là cửa ngõ thượng du của Nam Kinh, từ xưa đến nay, người dùng binh đều men theo Trường Giang đi xuống, nếu như tấn công An Khánh, Nam Kinh nhất định sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay.
Ninh Vương vô cùng tự tin, cùng đám vương tử, Nghi Tân cùng bước lên đỉnh thuyền, cố ý làm ra điệu bộ cha con nhà binh, nhìn về nơi mà lão sắp tới – An Khánh, khuôn mặt lão liền lộ ra điệu cười của người có được vật mơ ước trong tay. Đầu thành An Khánh, cùng với sự đồng hành của con trai và con dâu, Ngũ đại hồ tử, mặc áo giáp, bước lên đầu thành.
Đúng rồi, trong bụng của con dâu Tống Tiểu Ái vẫn đang mang đứa con cháu của Ngũ đại hồ tử, có thể nói là ba đời ông cháu cùng lên chiến trường.