Phủ Hưng Khánh bắc khống chế Hà Sóc, nam nằm ở thượng du dẫn tới vùng Khánh, Lương, bóp chết yếu hại phía tây, vị trí địa lý của nó ưu việt hơn một dải Hạ, Ngân rất nhiều. Từ góc độ hoàn cảnh kinh tế mà xét, nghề nông tương đối phát triển, lưu vực Hoàng Hà chảy ra ổn định, đảm bảo tưới tiêu. Lý Nguyên Hạo còn xây dựng một kênh Hạo vương dài hơn 200 dặm, khiến bốn xung quanh Hưng Khánh càng có cơ sở phát triển mạnh nông nghiệp, là cơ sở lương thực trọng yếu của Tây Hạ.
Đây đúng là nơi có thể xưng vương xưng bá, nói về nhãn quang này thì Lý Nguyên Hạo số một số hai thiên hạ, đáng tiếc ông ta giống nhiều bậc kiêu hùng, khi tới đỉnh cao sự nghiệp thì ngang ngược tự mãn, phạm phải sai lầm chính bản thân cũng không thể tha thứ.
Vân Tranh trước kia coi Tây Hạ là quốc gia vẫn do các bộ tộc làm chủ, nhưng giờ y đã có nhận thức khác, bọn họ đã thực sự có hình thái cơ bản một quốc gia, không khác gì nhiều Đại Tống, nhất là tới phủ Hưng Khánh, bỏ đi con đường đất vàng, bỏ đi cách ăn mặc của người dân trên đường, nhìn công trình kiến trúc và mức độ phồn hoa của nó, cứ ngỡ đây là thành trì Đại Tống, thành Mạc Xuyên của Thanh Đường thua xa.
Nơi này có trung thư viện, có xu mật viện, ngự sử đài, các cơ quan thống trị vô cùng đầy đủ, nhìn tín sứ cầm cờ phóng ngựa chạy trên đường, Vân Tranh biết, Tây Hạ thực tế đã hoàn thành sự độc lập của mình.
Trung ương phát lệnh, địa phương phục tùng, tức là bọn họ đã có ý thức về quốc gia, cho dù có một số bộ tộc không phục tùng lắm, nhưng dưới áp lực cường đại của Lý Nguyên Hạo, vẫn ngoan ngoãn nghe lời, thời Tần bắt đầu tiến hành phân chia chế độ quận huyện cũng chính là thế này đây.
Cảm giác rất thú vị, giống như lần nữa được đi ngược dòng lịch sử vậy.
Một Tàng Ngoa Bàng là người cực kỳ có học thức, ham học hỏi, cho nên hay cùng Vân Tranh trò chuyện, khi cùng Vân Tranh thảo luận chế độ các nước, chỉ ra rất nhiều điều chính xác, hắn nói Đại Tống lấy văn ngự võ là sai, một quốc gia như thế dù có giàu có nhưng không bao giờ mạnh mẽ. Là quốc gia rộng nhất, giàu có nhất, đông dân nhất lại liên tục chiến bại, một hai lần không sao, nhưng nhiều lần thì những vết thương nhỏ này sẽ khiến Đại Tống dần dần không thể nào chữa trị được, hoàng đế Đại Tống quá quan tâm tới quyền thống trị tuyệt đối của mình mà quên đi quốc gia.
Vân Tranh phản bác, dùng trí tuệ quản thúc võ lực về phương hướng là không sai, chỉ có quan văn quản chính trị mới không xuất hiện phản loạn liên tục, căn nguyên Đường không suy yếu mà vẫn diệt vong là vì quyền lực võ nhân lớn. Đại Tống mặc dù để quan văn quá lấn lướt là không đúng, nhưng không phải là không có cơ sở, chỉ cần từ từ điều chỉnh lại, tìm được chính tể thích hợp cân bằng, vì quan văn chú trọng thỏa hiệp và đàm phán.
Một Tàng Ngoa Bàng là người vô cùng cẩn thận, tới phủ Hưng Khánh thì chuyện đầu tiên hắn làm là giới thiệu Vân Tranh cho Lý Nguyên Hạo, theo như những lời Ngỗi Minh công chúa thuật lại, thì hắn nói rằng mình gặp được một vị cao nhân, nhưng không phân biệt được thật giả, nên nhờ uy đại vương phân biệt rồi tùy tài mà dùng.Lý Nguyên Hạo không chặt đầu Vân Tranh, chỉ yêu cầu Vân Tranh phải ở lại Tây Hạ, nếu muốn làm quan, ông ta chuyên môn mở lang trung ti cho y thể hiện tài hoa, nếu không muốn làm quan thì ở lại quân doanh cứu chữa thương binh cũng là lập đại công, Tây Hạ hoan nghênh cao nhân chí sĩ tới Hưng Khánh lập nghiệp.
Hơi tiếc vì chưa được gặp Lý Nguyên Hạo, còn cái mạng y đủ tự tin, Vân Tranh chỉ không tin những lời này lắm, đoán chừng Lý Nguyên Hạo không rõ một người Tống vừa mới tới Tây Hạ lập tức có thanh danh lớn với ý đồ gì, trước khi làm rõ thì lễ hiền đãi sĩ không sai, vả lại hai trăm người Tống thì gây ra được sóng gió gì, nên mới tỏ ra hào phóng như vậy.
Muốn đối phó với danh nhân thì Tào Tháo là người thông minh nhất, Nễ Hành cởi sạch quần áo, đánh trống chửi mười tám đời Tào Tháo, Tào Tháo hận không ăn sống nuốt tơi kẻ này, vì đại nghiệp mà nhẫn nhịn. Đem Nễ Hành tặng cho Lưu Biểu, sau khi Lưu Biểu nhận được đãi ngộ tương tự với Tào Tháo, cũng rất muốn giết Nễ Hành, nhưng phải nhịn, đưa tới chỗ Hoàng Tổ một kẻ thô bỉ nóng tính, kết quả Nễ Hành chứng nào tật nấy vừa chửi Hoàng Tổ một câu thì mất đầu.
Nay thế cục thiên hạ cũng rất giống thời mạt Hán, cho nên Vân Tranh đem kế sách trong Tam Quốc ra dùng, có điều câu chuyện Nễ Hành chỉ nên học cái danh của ông ta, không nên học cái mồm ông ta, tạm thời kế sách rất thành công, giữ được cái mạng nhỏ rồi.
…
Quân đội thường bài ngoại, nhưng một khi được họ thừa nhận thì rất dễ chung sống, được các thương binh nhiệt tình tuyên truyền, Vân Tranh hòa nhập vào quân doanh Tây Hạ không hề khó khăn, Tây Hạ quanh năm chinh chiến, không một ai muốn đắc tội với đại phu, dù quan quân hay sĩ tốt đều thế.
Hàng hóa mang theo căn bản không phải đưa tới chợ bán, những binh sĩ liền thành khách hàng nhiệt tình, trong thời gian ngắn họ mua sạch hàng hóa Vân Tranh mang theo.
Khác hẳn với Đại Tống, người cố tiền nhất ở Tây Hạ là quân tốt, năng lực mua sắm của họ làm Vân Tranh ngạc nhiên, thứ đắt tiền như tô hợp hương vốn tưởng phải tìm quý tộc Tây Hạ chào hàng, vậy mà binh sĩ mua hết, thậm chỉ loại giao dịch một bình nước thơm đổi lấy một con ngựa mà cũng đua nhau đổi, tướng lĩnh thậm chí còn đổi liền một lúc mười mấy chiến mã.
Chiến mã Tây Hạ không bán cho người Tống, nhưng giao dịch trong nội bộ quân doanh thì chẳng ai quản, dù quan viên nông mục ti có biết Vân Tranh có rất nhiều chiến mã thì cũng chỉ cười mà thôi, vì chiến mã vẫn còn ở Tây Hạ thì vẫn là của Tây Hạ.