Đến Diên An thì trời đã tối, chàng vào khách điếm ngủ một đêm. Sáng ra, xuống
lầu dùng điểm tâm. Tầng dưới của khách điếm là một phạn điếm.
Ăn xong, Thiên Vũ nhâm nhi tách trà, lơ đãng nhìn ra cửa, bỗng thấy một lão
thuật sĩ tuổi trạc ngũ tuần, dung mạo đường chính nhưng xanh xao. Trên tay lão
có một chiêu bài bằng vải viết bốn chữ: “Chưởng trung hữu mệnh”.
Chàng để ý quan sát thấy lão chỉ mời những người tuổi trẻ mà không chú ý đến
đám già nua. Với ai lão cũng xem xét bàn tay, đoán dùm vài câu hậu vận rồi bỏ
đi mà không hề nhận bạc. Cuối cùng lão đến trước mặt chàng chăm chú nhìn rồi
tươi cười nói :
– Công tử diện mạo phi phàm, tiền đồ chắc vô cùng rực rỡ. Lão phu xin được
xem chỉ tay để tặng vài câu họa phúc, tiền công tùy lòng công tử.
Không hiểu sao trong thâm tâm chàng nảy sinh mối cảm tình với lão, liền xòe
tay tả ra. Lão cầm lấy xem sơ qua rồi bảo :
– Xin công tử cho xem tay hữu.
Nhìn thấy bảy nốt ruồi son, lão rùng mình, đôi mắt lóe sáng, hít một hơi dài
khẽ nói :
– Hậu vận công tử có nhiều điều không tiện nói ở đây. Xin theo lão phu đến
một nơi yên tĩnh để đàm đạo.
Giọng lão tha thiết, thành khẩn khiến chàng không nỡ từ chối. Hơn nữa với bản
lãnh hiện nay của chàng, chàng còn phải sợ hãi gì nữa?
Tính tiền xong, chàng dẫn Hồng nhi đi theo thuật sĩ. Rẽ vào một đường ngang,
đến trước một trang viên cổ kính, điêu tàn, lão già gõ vào cánh cổng. Một hán
tử mở cửa, thấy chàng gã khựng lại nhưng chẳng nói gì. Chờ khách vào hẳn, gã
cài chặt khóa cổng, rảo bước theo sau.
Trong khách sảnh đang còn bốn người nữa đang ngồi quanh một bàn Bát tiên.
Người lớn tuổi nhất trạc lục tuần, gương mặt họ đều xanh xao, vàng vọt. Sáu
người quan sát chàng với ánh mắt âu yếm. Lão già tóc bạc mỉm cười bảo :
– Mời công tử an tọa, bọn lão phu có chuyện xin thỉnh giáo.
Thiên Vũ bình tĩnh ngồi xuống không nói một lời. Chàng biết họ quan tâm đến
những nốt ruồi son trên bàn tay chàng. Nhưng họ là ai mà biết được bí mật này?
Lão già nói tiếp :
– Tại hạ Trương Hoành, còn đây là Hồ Hoài, Hạ Khuê, Lý Đường, Cổ Khai Chi,
Triệu Kỳ. Những cái tên này đối với công tử có ý nghĩa gì không?
Từ ngày biết mình là hậu duệ của Thần Kiếm Thương Thiên Long, chàng đã chú tâm
điều tra nên biết họ tên sáu vị bái đệ của tiên phụ. Nhưng nhân tâm nan trắc,
chàng không thể không đề phòng nhưng cố giữ vẻ thản nhiên đáp :
– Theo tiểu sinh được biết thì danh tánh của chư vị trùng hợp với sáu vị cao
thủ của Kiếm Minh hai mươi năm trước. Chuyện này giang hồ ai cũng biết.
Lão thuật sĩ họ Khuê gật đầu xác nhận :
– Bọn lão phu chính là những người ấy.
Thiên Vũ lạnh lùng hỏi lại :
– Nếu vậy, tại sao hai mươi năm qua, lục vị không xuất đầu lộ diện mà báo thù
cho Thương minh chủ?
Cả bọn lẳng lặng cởi y phục, trên người họ ngang dọc những vết sẹo cũ, chứng
tỏ họ đã từng bị thương rất nặng.
Người trẻ tuổi nhất là Triệu Kỳ, căm hận nói :
– Năm ấy chúng ta trúng kế điệu hổ ly sơn, đi vào hiểm địa bị phục kích, anh
em chết gần hết. Sáu người còn lại đây đều thọ thương trầm trọng, kiếm lại tẩm
độc. Trong suốt hai mươi năm mới phục hồi được nửa phần công lực, làm sao dám
ló mặt ra? Nhị ca sau này chuyên tâm học dịch số, đoán được rằng hậu nhân của
Thương đại ca đã xuất hiện vùng Tây Thục, nên bảo chúng ta thay phiên cải
trang làm thuật sĩ tìm cho được thiếu niên có bảy vết son hình bắc đẩu trong
bàn tay hữu. Nay xin công tử cho biết lai lịch, danh tánh.
Thiên Vũ hiểu rằng họ là những anh em sinh tử của cha mình nên sụp xuống lạy :
– Tiểu điệt Thiên Vũ khấu kiến sáu vị thúc thúc!
Sáu người nghe chàng xưng tên mừng đến rơi lệ, xúm lại ôm chặt chàng vào lòng
khóc ngất. Lúc trấn tĩnh lại, Trương Hoành bảo các em dọn bàn để uống mừng. Họ
bắt chàng kể lại đoạn cuối đời của Thương Thiên Long và tao ngộ của chàng
trong những năm qua. Ai nấy đều mừng rỡ khi biết giờ đây, võ công chàng còn
cao siêu hơn Thiên Long thuở trước.
Thiên Vũ hỏi Trương Hoành :
– Xin hỏi nhị thúc, chất độc trong người chư vị đã giải được hết chưa?
Trương lão cười khổ đáp :
– Chỉ mới trục ra được một nửa, nếu không chúng ta đâu chịu ngồi yên.
Thiên Vũ gật đầu không hỏi thêm. Ăn uống xong, chàng bảo họ :
– Tiểu điệt sẽ giúp chư vị trục độc và phục hồi võ công, ai xong trước sẽ
cảnh giới cho người sau.
Chàng rút tiểu đao cắt tay nhỏ máu vào một chung không có rượu rồi nói :
– Máu của tiểu điệt có thể trừ bách độc. Xin nhị thúc uống trước.
Trương Hoành uống cạn, vận công dồn độc chất ra khỏi lỗ chân lông. Thiên Vũ
đặt bàn tay vào hậu tâm giúp lão lưu chuyển chân khí.
Trương Hoành nghe một luồng đạo lực mạnh mẽ truyền qua. Biết chàng có công lực
thâm hậu không khỏi mừng thầm. Hai khắc sau, mồ hôi tiết ra ướt đẫm y phục,
mùi tanh xông lên nồng nặc. Trương Hoành thấy cơ thể thư thái, chân lực đã
khôi phục trọn vẹn, hoan hỉ đứng lên bật cười bi tráng.
Trong ba ngày, Thiên Vũ đã trả lại cho sáu vị thúc thúc vẻ uy vũ ngày nào. Hai
mươi năm qua, dù mất công lực nhưng họ vẫn có thời gian để rèn luyện võ công
nên bản lãnh tiến bộ rất nhiều.
Thiên Vũ bàn với họ :
– Có thể mẫu thân cũng cùng cảnh ngộ với chư vị, đang ẩn nhẫn chờ thời cơ.
Theo ý tiểu diệt, chư vị nên đến Hà Nam gặp hai phái Thiếu Lâm, Võ Đang, trình
bày cho họ biết hậu nhân của họ Thương vẫn còn và đã đoán chắc rằng Triệu Bá
Câu chính là Tình Ma, truyền nhân của Cô Lâu Ma Quân. Đó cũng là lý do tại sao
trong hai mươi năm qua, lão không dám công khai trổ tài để tranh chức minh chủ
võ lâm, mà chỉ âm thầm bành trướng thế lực của Tử Vi môn. Sau đó, lục vị thúc
thúc dùng năm vạn lượng bạc này để xây dựng lại Tổng đàn Kiếm Minh, bên cạnh
Tổng đàn võ lâm. Chúng ta sẽ dựng cờ, chiêu mộ đệ tử, phô trương thanh thế ầm
ĩ. Nếu gia mẫu và các huynh đệ bổn minh còn sống sẽ tìm đến. Trong lúc đó,
tiểu diệt sẽ cùng với Nhị Tuyệt Nhân Ma bí mật tập kích các Phân đàn Tử Vi môn
để tỉa dần lực lượng của Bá Câu.
Bàn bạc thương lượng xong, Thiên Vũ một mình trở lại Thiên Long bang, còn sáu
cao thủ Kiếm Minh y theo kế hoạch thi hành.
Chỉ còn hơn tháng nữa đã là tiết Nguyên Tiêu, trời càng lúc càng lạnh thêm.
Thiên Vũ chạnh lòng nhớ đến dưỡng phụ, dưỡng mẫu và Yến Vân. Chàng biết công
việc xây dựng Tổng đàn Kiếm Minh phải ít nhất là nửa năm. Đội dũng sĩ cũng cần
thời gian để luyện đao pháp. Hơn nữa, Đồng Kỳ Xương chưa hồi phục công lực,
chàng nhân cơ hội này trở lại Hồ Nam thăm nhà.
Thiên Vũ thúc ngựa đi dọc sông Hán Thủy, thấy cạnh hồ có một thương thuyền
mang cờ Thanh Long bang đang neo đậu. Chàng tiến lại gần cất tiếng hỏi :
– Bớ chủ thuyền, xin cho tại hạ hỏi vài câu.
Trên vai chàng mang kiếm nên xưng hô theo lối giang hồ. Một đại hán mặt đen
không râu bước ra mạn thuyền. Thiên Vũ đưa cao Thanh Long lệnh bài, nói :
– Các hạ có nhận biết vật này không?
Dù chưa gặp gỡ nhưng toàn bộ bang chúng đều biết phó giáo chủ là một thanh
niên anh tuấn, chấp chưởng lệnh bài. Gã kính cẩn vòng tay thưa :
– Đệ tử Trần Tam xin chờ lệnh.
Thiên Vũ cười bảo :
– Ngươi lập tức cho người về báo lại với Bang chủ là ta có việc phải về Hồ
Nam, hơn tháng sau mới trở lại Tổng đàn, xin Bang chủ đừng lo lắng.
Gã cúi đầu nhận mệnh, Thiên Vũ yên tâm xuôi Nam về cố hương.
Thời gian còn nhiều nên chàng không vội, ung dung thưởng ngoạn cảnh vật hai
bên đường thiên lý. Tuyết đã phủ trắng núi đồi cây cối, phong cảnh ảm đạm,
tiêu điều.
Mười ngày sau, chàng đi được nửa đường, thấy trời đã trưa nên ghé vào một tiểu
quán dùng bữa.
Trời ít gió nên các cánh cửa đều mở rộng, nhưng những thau than đỏ rực để rãi
rác khắp nơi, sưởi ấm cho tửu khách. Những ngày gió lớn người ta phải đóng
chặt cửa nẻo, giam mình như những con gấu trú đông.
Phủi sạch tuyết trên mũ lông và áo hồ cừu, chàng ngồi xuống bàn, gọi năm cân
rượu và vài món nhắm. Vị trí này gần cửa sổ, xa lò sưởi nên chẳng ai muốn
ngồi.
Nhưng Thiên Vũ lại thích thú vì có thể nhìn được rặng núi bạc đầu ở phía tây.
Ăn cơm xong, chàng rót rượu nhăm nhi, lơ đãng đưa mắt nhìn quanh. Tửu quán rất
rộng rãi, đặt không dưới hai chục bàn. Khách nhân đa số là giới giang hồ.
Chàng mới xuất đạo nên chẳng ai biết.
Bỗng từ ngoài có hai lão mặc áo tím dừng ngựa bước vào. Thiên Vũ thấy mọi
người biến sắc, mặt lộ vẻ khiếp sợ. Chàng chăm chú nhìn hai người mới đến.
Đó là hai lão nhân tuổi trạc lục tuần, dung mạo âm trầm, hiểm độc, một béo một
gầy. Họ chậm rãi bước vào, quan sát từng khuôn mặt như muốn tìm kiếm ai. Đến
bàn trong cùng, lão gầy bật cười hung ác :
– Ngươi đừng tưởng cải trang là qua mắt được Thiên Trì song yêu, thân hình
nhỏ bé của ngươi làm sao giấu được?
Thiên Vũ nhìn vào, thấy song yêu đang đứng trước bàn một lão nhân râu đen
nhánh, thấp lùn, mặc đạo bào trắng. Lão ở vào thế kẹt không còn con đường
thoát thân nên sợ hãi, co rúm người lại. Bất ngờ chui tọt xuống gầm bàn, thân
hình uốn éo như rắn, luồn qua các bàn khác, thoáng chốc đã ra đến gần cửa. Lão
trồi lên từ phía sau Thiên Vũ, chàng thấy gã chạm vào mình. Đã được thọ giáo
Kinh Hạo nên chàng nhận ra ngay gã vừa nhét một vật vào người mình. Xong xuôi,
lão lao vút ra ngoài như tên bắn.
Thiên Trì song yêu giận dữ đuổi theo. Nhưng khinh công con người nhỏ bé kia
quả là đáng sợ. Tà áo trắng chìm vào màn tuyết mất dạng.
Một lúc lâu sau, thấy cả ba không trở lại, chàng gọi tiểu nhị tính tiền rồi
lên đường. Đi được vài dặm, ngang qua cánh rừng, chàng nghe có tiếng yếu ớt
gọi :
– Thiếu hiệp xin cứu ta.
Thiên Vũ quay ngựa rẽ vào, dưới một gốc cây là lão nhân lúc nãy, bạch bào
nhuộm đỏ máu tươi. Thiên Vũ vội xoa bóp, truyền công lực. Lát sau lão có vẻ
khá hơn, ngồi dậy nói :
– Hai lão yêu này lợi hại thật, nếu không chạy kịp chắc ta bỏ xác rồi. Đa tạ
thiếu hiệp tương trợ. Lão phu là Nhật Phi Hồ Lăng Thu.
Thiên Vũ không chờ lão hỏi, lấy túi nhỏ trả lại. Lăng Thu ngỡ ngàng nói :
– Chẳng lẽ thiếu hiệp chưa mở ra xem hay sao?
Lăng Thu cẩn thận mở túi lấy ra một khối ngọc đen nhánh, vuông vức, nhìn kỹ
mới thấy chung quanh có một đường chỉ nhỏ, có lẽ là mối nối của hai mảnh ngọc.
Lão nâng niu khối ngọc rồi cười thảm :
– Cổ nhân có câu “kẻ mang ngọc có tội”. Thật chẳng sai. Ta vì Kim cung Hắc
Ngọc này mà bị Tử Vi môn truy sát suốt ba năm qua, ăn ngủ không yên, mấy lần
suýt bỏ mạng. Nay thấy thiếu hiệp tướng mạo tôn quý, đường chính, ta xin tặng
để đền ơn cứu tử.
Thiên Vũ chưa vội nhận mà hỏi lại :
– Tại sao lại gọi là Kim cung Hắc Ngọc và quý ở điểm nào?
Lăng Thu giải thích :
– Kim cung là tên một bí cung mà Kim Tỏa lão nhân đã cất giấu bí kíp võ công
và tài sản của mình trăm năm trước. Bên trong khối ngọc có họa đồ chỉ vị trí
Kim cung và cách xuất nhập mê trận trong cung. Vật này do phụ thân ta ba mươi
năm trước tình cờ nhặt được trong một khe đá ở núi Nam Lĩnh. Ông và ta đã đem
cả đời ra tìm cách mở mà không thành công. Hắc Ngọc vô cùng cứng rắn, phải có
một thanh tiểu đao sắt bén vô song và mỏng như giấy mới có thể mở được.
Thiên Vũ nghĩ đến thanh thần đao mà Kinh Hạo đã tặng, lòng khấp khởi mừng.
Chàng nhận lấy túi ngọc cảm tạ lão rồi nói :
– Lăng các hạ có biết Dạ Miêu Nhi Kinh Hạo không?
Nhật Phi Hồ sửng sốt :
– Ta và y là đôi bạn thâm giao, chỉ nghe danh Nhật Phi Hồ, Dạ Miêu Nhi thì đủ
biết. Lâu nay chúng ta chia nhau đi tìm tung tích Thương minh chủ để báo ân
cứu mạng ngày xưa, nên đã hơn hai năm không gặp.
Thiên Vũ biết lão nói thật nên bảo :
– Tiểu đệ chính là Thương Thiên Vũ, cô nhi của Thương đại hiệp và đã bái Kinh
Hạo làm đại ca. Y hiện đang ở Tổng đàn Thanh Long bang, tổ chức lực lượng báo
phục. Hung thủ là Tình Ma Mễ Hồng, bây giờ hóa thân là Triệu Bá Câu, Tử Vi môn
chủ.
Lăng Thu mừng rỡ đến chảy nước mắt, lão gượng đưa tay ôm lấy chàng thì thầm :
– Hoàng thiên hữu nhãn, không nỡ tuyệt họ Thương. Ta sẽ về Thanh Long bang
góp sức với Kinh Hạo phò tá Vũ đệ.
Thiên Vũ biết lão chưa khỏe hẳn nên truyền nội lực thêm một lần nữa. Dù lão đã
phục hồi trọn vẹn công lực, chàng cũng chưa yên tâm :
– Liệu Lăng ca có an toàn về đến nơi hay không?
Nhật Phi Hồ cười ranh mãnh :
– Thiên Trì song yêu đã bị ta gạt đi về hướng Nam rồi, võ nghệ ta không cao
nhưng khinh công chẳng kém, chỉ vài ngày là gặp họ Kinh. Vũ đệ chớ lo.
Đã từng chứng kiến nên Thiên Vũ tin tưởng, từ biệt lão rồi xuôi về Nam. Chàng
về đến nhà ngày hai mươi bốn tháng chạp.
Hơn hai năm qua, Thiên Vũ đã cao lớn hơn xưa, vẻ mặt phong trần, đôi ria mép
xanh rì kế thừa của tiên phụ làm chàng thêm già dặn.
Đám a hoàn đang quét tuyết trước sân, ngỡ ngàng nhìn khách lạ.
Chàng lột mũ lông cáo xuống, nở nụ cười tươi tắn hỏi :
– Chẳng lẽ chư vị không nhận ra Thiên Vũ ư?
Bọn họ mừng rỡ reo lên :
– A! công tử đã về.
Một người nhanh nhảu cầm lấy dây cương dắt ngựa vào chuồng. Phu thê họ Lục và
Yến Vân chắc ở sau hậu sảnh nên không hay biết.
Thiên Vũ cởi áo lông cừu và ủng rồi đi thẳng vào. Chàng biết mọi người hay tụ
họp nơi thư phòng nên tìm đến. Thấy song thân đang ngồi uống trà và Yến Vân
thêu thùa, Thiên Vũ phóng vào quỳ xuống thưa :
– Bất hiếu nhi Thiên Vũ xin bái kiến phụ mẫu.
Yến Vân mừng đến buông rơi cả kim thêu mà cũng chẳng hay. Nước mắt vui mừng
trào ra khóe phượng.
Lục lão gia và phu nhân bật dậy ôm lấy chàng vuốt ve ôm yếm :
– Hơn hai năm qua chúng ta nhớ con đến sầu héo cả lòng.
Chàng quay sang nhìn Yên Vân dịu dàng hỏi :
– Vân tỷ có nhớ tiểu đệ không?
Yến Vân đỏ mặt, cúi đầu giận dỗi. Thiên Vũ bước đến ôm chặt nàng vào lòng rồi
thì thầm :
– Lúc nào lòng tiểu đệ cũng in sâu hình bóng của Vân tỷ.
Yến Vân sung sướng gục đầu vào vai chàng khóc nức nở.
Lục gia mắng yêu con gái :
– Sao Vân nhi không sửa soạn nước nóng cho Vũ nhi tắm gội, còn nhiều dịp để
tâm sự mà?
Lục phu nhân hớn hở gọi a hoàn bày tiệc tẩy trần. Tiếng cười nói, tiếng dao
thớt làm không khí Lục gia trang cực kỳ nhộn nhịp.
Tất cả gia nhân đều được mời dự tiệc mừng công tử hồi gia. Họ chỉ có mười
người, đã ở đây từ hồi Lục gia mới dọn đến Hồ Nam. Hai mươi năm qua, ai cũng
cảm ân đức của Lục gia mà hết dạ trung thành. Lục Thám Vi đã từng nghèo khó
nên đối xử với họ rất hậu. Người nào cũng có số bạc đủ để dưỡng già.
Tối đến, bốn người quây quần trong thư phòng. Lục lão gia hắng giọng nói :
– Vũ nhi, chốn giang hồ nguy hiểm trùng trùng, chuyện sinh tử khó mà lường
trước được. Ta và phu nhân đã nghĩ đến chuyện cho hai con thành hôn ngay để
thông tự họ Thương được bảo đảm. Hơn nữa, Vân nhi đã hai mươi bốn tuổi rồi, Vũ
nhi nghĩ sao?
Từ ngày đấu với bọn sát thủ sứ giả, Thiên Vũ thầm e ngại bản lãnh của Tình Ma.
Chàng biết ý của dưỡng phụ là hợp lý nên thưa rằng :
– Song thân chu toàn như vậy Vũ nhi rất cảm kích và xin tuân mệnh.
Yến Vân xấu hổ úp mặt vào lưng Lục mẫu.
Sáng hôm sau, Lục gia triệu tập tất cả mười gia nhân thân tín trong khách sảnh
rồi bảo :
– Hai mươi năm nay, chư vị cũng như là người thân thuộc trong nhà. Ta xin thố
lộ một bí mật từ lâu đã giấu kín. Vũ nhi chỉ là dưỡng tử, vì vậy hai hôm nữa
được ngày cát nhật, ta sẽ tổ chức tiểu yến cho hai trẻ nên duyên. Việc này xin
chư vị tuyệt đối không để lộ ra ngoài vì Vũ nhi có một cừu nhân cực kỳ hung
ác.
Mọi người đều kinh ngạc nhưng vui vẻ, họ rất thương yêu đôi trai tài gái sắc
này.
Hôn lễ giản dị, không có ai là khách bên ngoài. Bàn thờ tổ tiên hai họ nằm
cạnh nhau. Tế xong, mọi người xúm lại chúc mừng và ăn uống.
Nhũ mẫu của Thiên Vũ ngà ngà say nói lớn :
– Hai mươi năm trước ta đã đoán Vũ nhi không phải là con ruột của Trang chủ
và phu nhân. Vì lúc ấy Lục mẫu không có hiện tượng gì là một người mới sanh
nở.
Cả nhà bật cười khen bà tinh mắt và kín tiếng.
Đã đến giờ hợp cẩn, Thiên Vũ và Yến Vân uống chén giao bôi.
Chàng nhớ lại những ngày thơ ấu êm đềm không khỏi động tình, cười hỏi :
– Nàng có nhớ những lần chúng ta ra bờ hồ bơi lội hay không?
Yến Vân đỏ mặt liếc chàng. Nhan sắc Yến Vân mặn mà, rực rỡ hơn xưa. Thiên Vũ
cúi mình hôn lên đôi môi chín mọng rồi giúp nàng cởi y phục. Chàng say đắm
nhìn thân hình ngà ngọc bất giác đưa tay vuốt ve đôi nhũ phong đầy đặn như
ngày con thơ ấu. Yến Vân khúc khích cười vì cảm giác nhột nhạt. Hai người quấn
lấy nhau không rời, Thiên Vũ đang tuổi thanh niên cường tráng, hầu như không
biết chán chường ái ân.
Yến Vân đau đớn xin hẹn đêm mai.
Sau hai mươi đêm hương lửa mặn nồng, giữa tháng giêng lúc hương xuân chưa tan,
Yến Vân đã báo cho Lục mẫu biết rằng nàng đã có tin vui. Cả nhà mừng như ngày
hội.
Qúa say mê mỹ nhân mà Thiên Vũ quên bẵng đi chuyện Kim cung Hắc Ngọc.
Nghe báo tin sắp có người nối dõi, chàng biết mình đến lúc phải ra đi lo
chuyện báo thù. Tối đến chàng vào khuê phòng, dùng chỉ đao vận công rạch theo
đường chỉ ngang khối ngọc. Hai mảnh rời ra, để lộ một mảnh giấy mỏng gấp làm
nhiều nếp. Thiên Vũ bảo Yến Vân dùng móng tay nhẹ nhàng gỡ để lên bàn. Đó là
một họa đồ, nét vẽ rất tinh xảo và đầy những chữ nhỏ như kiến. Chàng đọc thật
kỹ, nghi nhớ toàn bộ vào nội dung rồi đốt đi.
Thiên Vũ tư lự bảo Yến Vân :
– Không ngờ Kim cung lại ở ngay Thái Hoàng sơn, gần trọng địa của Tử Vi môn,
thật khó khăn cho ta. Thái Hoàng sơn còn có tên là Ngũ Hành sơn. Kim cung nằm
phía Nam còn Triệu Bá Câu chiếm ngọn giữa.
Chàng ở lại thêm ba ngày nữa. Khảo sát võ công của nương tử, thấy nàng không
hề bỏ bê luyện tập Ngọc Nữ chân kinh nên bản lãnh cao cường, chàng rất mừng.
Thiên Vũ dạy thêm cho nàng pho Phiêu Phong Truy Vân rồi khởi hành.