Trên sông Tần Hoài thuyền hoa nhẹ lướt, hai bên bờ sông đèn đuốc rực rỡ. Trong đêm Trung thu Giang Ninh sẽ không đóng cổng thành, cơn náo nhiệt và cuồng hoan kéo dài suốt đêm đến tận rạng sáng ngày hôm sau mới kết thúc. Lúc này các đường phố trong thành đều đã rất đông đúc, sau khi ăn cơm tối xong mọi người đi ra khỏi nhà. khắp phố lớn hẻm nhỏ đều hướng về miếu Phu Tử, Minh Viễn lâu là con phố trung tâm phồn hoa nhất vùng. Trên đường hoa đăng giăng khắp nơi, như những đốm lửa mênh mông cuồn cuộn bất tận. Đám bán hàng rong cao giọng mời hàng, từng đội múa lân múa rồng đi qua đi lại khua chiêng gõ trống, lại thêm các đoàn tạp kĩ tụ tập nơi đầu phố. Từ trong thanh lâu kỹ viện văng vẳng truyền ra tiếng ca như mời gọi khách, loáng thoáng nhìn thấy bóng người ca múa bên trong, thỉnh thoảng lại có người ra ra vào vào rất là náo nhiệt.
Đêm nay những cô gái thanh lâu hơi có danh tiếng đều đã có nơi có chốn, ở trong đại sảnh tuy hiếm nhưng vẫn còn chỗ để ngồi. Trên đường phố thi thoảng lại truyền tới tin tức về một bài từ mới của một công tử ở hội thơ nào đó, đây là một trong những mục quan trọng nhất đêm nay, đôi lúc có thể nghe thấy một danh kỹ nào đó trong thanh lâu xướng bài từ đó lên, nhiều khi lại có tin về một bài từ hay từ một hội thơ khác truyền đến. Các tài tử cùng nhau so tài cao thấp, các giai nhân lại phủ lên những tài hoa này thêm một phần hơi thở mỹ lệ, phần lớn mọi người đều là thưởng đèn hoa, xem nhiệt náo. Chỉ bằng bầu không khí náo nhiệt này cũng có thể cảm nhận chút di vận từ thời Ngụy Tấn, thời Đường phồn vinh cũng chỉ như vậy mà thôi.
Tới thời nhà Đường, thơ từ đã bắt đầu hưng thịnh, phát triển đến nay cũng đã được mấy trăm năm. Lúc chuyện phiếm với Ninh Nghị, Tần lão nói mấy câu “Đại tài hay tiểu tài cũng khó nói” là bởi vì tầm mắt của bọn họ đã vượt qua lề lối thông thường. Thực ra, giới cao tầng cũng đã nhận thấy thơ từ chỉ là vô dụng, cho nên tiêu chuẩn lấy sĩ tử một trăm năm gần đây liên tục bị thay đổi, chế độ khoa cử lúc thì loại thơ từ khỏi tiêu chuẩn lúc lại cho vào, không ngừng cân nhắc nhưng vẫn chưa quyết định được.
Nhưng dẫu giới cao tầng suy nghĩ thế nào đi chăng nữa thì địa vị của thơ từ trong xã hội vẫn được nâng cao lên đến đỉnh điểm. Nếu một ai đó có thể sáng tác ra một bài thơ hay thì dù đi đến đâu cũng sẽ không thiếu sự tôn kính cùng đãi ngộ, tác phong văn sĩ đã trở thành một biểu tượng của thời đại này. Từ thời nhà Đường đến nay văn hóa thơ ca đã thấm sâu vào các tầng lớp trong xã hội, trở thành một điểm nhấn trong lịch sử văn học, vô số các những bài thơ nổi tiếng như sao trời cát biển đã đóng vai trò quan trọng tô đậm nét văn hóa người Hán.
Trong thành Giang Ninh lúc này, tại những trung tâm buôn bán náo nhiệt phồn hoa như hẻm Ô Y, miếu Phu Tử, các thương gia đều treo lên các bảng đề thơ của mình. Từng bài từng bài từ các hội thơ dần dần xuất hiện, thỉnh thoảng có người lớn tiếng ngâm nga, đôi khi lại vang lên lời xướng của cô nương được mời đến biểu diễn. Trên đường phố, nơi quán trà, trong tửu lâu, từng nhóm lớn nhóm nhỏ tụ tập, đám văn nhân sĩ tử gật gù đắc ý bình luận những bài thơ hay, đoán xem thơ của ai sẽ được ngâm xướng nhiều nhất. Dưới bầu không khí này, cho dù là dân đen chưa từng đọc sách cũng có thể cảm nhận được phần nào ý cảnh mà những người ở bên thảo luận đánh giá, nhiễm lên mình một chút phong thái văn nhã.
Sáu chiếc thuyền hoa của hội thơ Bộc viên đã sớm rời bờ, chậm rãi thả trôi trên đoạn sông xinh đẹp náo nhiệt nhất. Dẫu vậy, nó vẫn tiếp tục đón khách, hơn mười chiếc thuyền nhỏ tiền hô hậu ủng như đàn cá nhỏ bơi theo hai bờ Tần Hoài, thỉnh thoảng đưa người sang thuyền lớn, đôi khi lại truyền thơ hay đưa người từ thuyền lớn đi qua. Người lên thuyền sẽ truyền các bài từ mới hoặc đưa tin tức về sự kiện gì đó, ví dụ như chuyện một đại nhân vật hứa gả con gái cho ai đó trong yến hội, hay là một nhân vật thành danh khen ngợi bài thơ của lớp trẻ .
Các bài thơ của hội thơ Bộc viên vẫn thường truyền ra ngoài, mấy năm trước còn có người mua thơ để đối phó với những dịp như thế này, nhưng nay đã không cần nữa, đã có tiền vậy mời luôn một vài tài tử chân chính đến. Tuy vẫn không thể sánh với những hội thơ nổi danh nhất như hội thơ Chỉ Thủy hay hội thơ Lệ Xuyên, nhưng bởi được lăng xê nhiệt tình nên danh tiếng cũng dần dần phát triển.
Hội thơ tiết Trung thu thường sẽ lấy trăng làm đề, nhưng tất nhiên không có dành trọn đêm chỉ để tả trăng, số người trong hội thơ cũng có giới hạn, gia chủ có vai vế nên mọi người thường cùng bàn luận để ra một vài đề mục. Các hội thơ là nơi văn nhân tụ tập nên thường ngoài sáng trong tối so tài cao thấp với nhau. Như hai hội thơ Chỉ Thủy và Lệ Xuyên, sau khi được nghe đề mục của bên kia, thường sẽ có một người nào đó phát biểu:
“Nói đến chủ đề này, tiểu sinh cũng có tình cờ có một bài..”
Sau đó tỏ vẻ bình thản luận bàn một phen với mọi người, bề ngoài tuyệt không lộ ra cái vẻ hiếu thắng. Thơ phú khi cùng tới một tầm cao thì sẽ khó phân cao thấp, nhưng nếu chênh lệch quá nhiều thì vừa đọc là biết ngay.
Lúc này vẫn chưa tới thời điểm sôi động nhất, hội thơ kéo dài đến rạng sáng. Chân chính thơ hay không phải ngẫu nhiên mà có, hầu hết mỗi vị văn nhân đều đã chuẩn bị một vài bài đắc ý, nhưng bởi thấy tài hoa của mình còn chưa đủ, không muốn bị bêu xấu trước mặt người khác nên không đưa ra sớm. Những đòn sát thủ chân chính phải đợi các tài tử giỏi nhất xuất ra, thông thường đến nửa đêm mới bắt đầu. Nếu trong đêm nay có thể thu được danh tiếng, tích được danh khí, thì con đường làm quan ngày sau hẳn rất thuận lợi.
Trời dần chuyển về khuya, trăng đã lên đến đỉnh đầu nhưng không khí trong thành vẫn còn náo nhiệt. Trong tiểu lâu nho nhỏ của Tô Gia, Ninh Nghị và tiểu Thiền đã trở về phòng. Ở nơi đây vẫn có thể thấy được một ít náo nhiệt, bên ngoài gió đã nổi lên.
Tiếng náo động ở ngoài loáng thoáng truyền vào trong, chủ tớ hai người cũng tính mở một dạ hội Trung thu nho nhỏ. Do không nhớ rõ một số tiểu tiết trong Tây Sương ký, lại nghĩ kể Tây Sương ký hóa ra thành dạy thiếu nữ đi trộm tình, cho nên cuối cùng Ninh Nghị đành kể cho tiểu Thiền một đoạn Tây Du ký. Sau đó tiểu Thiền hát cho gã nghe hai tiểu khúc cùng với múa biểu diễn một điệu mà nàng không thạo lắm, nghe nói là tự học sau khi xem được ở một cuộc biểu diễn nào đó. Tô Đàn Nhi không hề có ý định tặng đi ba ả nha hoàn hay dùng để lấy lòng người khác, bởi thế nàng chỉ cho ba nha hoàn đọc sách, thêu thùa, giúp đỡ nàng quản lý người hầu mà không dạy cho các nàng về nhạc khí và ca múa. Vậy nên tiểu Thiền miễn cưỡng có thể hát được nhưng múa thì không, chỉ là khi múa lên trông cũng mềm mại khả ái.
Tiểu Thiền thích chơi cờ năm quân, nhưng Ninh Nghị vẫn còn đang bệnh, tốt hơn hết vẫn nên tránh loại hoạt động trí óc này. Sau khi tiểu Thiền múa hát xong Ninh Nghị dạy nàng một trò ảo thuật đơn giản, cầm một con cờ trong tay rồi làm cho nó biến mất, sau đó lại từ đầu tóc hoặc túi áo đối phương lấy ra, trò này khiến cho tiểu nha đầu hốt hoảng. Ninh Nghị cười giảng cho nàng nguyên lý, đợi tiểu Thiền vụng về thực hành lại vài lần, Ninh Nghị mới nói:
– Ta muốn đi ngủ, thời gian còn sớm, tiểu Thiền qua hội thơ Bộc viên chơi đi.. Đúng rồi, thiếp mời để ngay trên bàn…
– Chờ cô gia ngủ xong em mới đi.
Advertisement / Quảng cáo
Tiểu Thiền cười nói.
– A, vậy hát cho ta nghe một bài, được không?
– Dạ được, cô gia muốn nghe bài nào?
Các ca khúc thời này đa số đều là thi từ, mỗi bài đều có cách hát cố định, chỉ là đến thời hiện đại những cách hát này đều đã thất truyền. Ca khúc tiểu Thiền hát được cũng không nhiều, hai người chọn bài trong tuyển tập thơ đặt trên giường để hát.
– Vịnh Ngư Tử. . .
– Bài này tiểu Thiền không biết.
– Thế bài Ức Giang Nam thì sao?
– Bài này thì biết.
Tiểu Thiền hưng phấn chuẩn bị hát.
– Thôi bỏ đi, bài này ta không thích.
– Vậy Niệm Nô Kiều thế nào, cô gia muốn nghe không?
– Bài Thủy điệu ca đầu (1) này cũng hay. Ồ,… Thủy điệu ca đầu…
– Bài này tiểu Thiền cũng biết.
“Biết hát khúc Thủy điệu?”
Ninh Nghị suy nghĩ một chút.
– Chà, tiểu Thiền cũng biết thật nhiều bài nha.
– Vậy hát bài này ư?
– Ài,… hay là hát một bài khác, cũng là Thủy điệu ca đầu…
Ninh Nghị nhàn rỗi đến phát chán, thực tế là gã đang nghĩ đến bài Trăng sáng bao giờ có (2) do Vương Phỉ hát (3), nhưng hình như Tô Thức của thời đại này vẫn chưa viết ra. Gã kêu tiểu Thiền đem giấy bút đến, nằm sấp ở trên giường xiêu xiêu vẹo vẹo mà viết ra bài thơ để tiểu Thiền hát cho nghe, tiểu Thiền đọc đến sáng long lanh cả hai mắt:
– Cô gia sáng tác à?
Hử, Ninh Nghị ngẫm nghĩ, thấy vẻ mặt mong đợi của tiểu Thiền bèn nhún nhún vai.
– Là ta làm, em cầm lấy. Nhanh hát đi..
Tiểu Thiền cầm bài thơ nhìn một lát, dựa theo nhịp điệu mà bắt đầu hát, tiểu nha đầu hát cũng nhẹ nhàng uyển chuyển, nhưng do không chuyên nghiệp, quá xơ cứng nên phải hát lại một lần, dẫu vậy ý cảnh vẫn rất hay. Sau khi nghe xong, Ninh Nghị cười cười:
– Để ta dạy em hát kiểu khác.
– A?
Tiểu Thiền chớp chớp đôi mắt.
– Còn có cách khác?
– Đúng vậy, ta hát một câu em hát theo một câu nhé. Ta biết là em rất hiếu học, haha , thực ra chủ yếu là do ta muốn nghe.
Mặc dù hơi nghi hoặc nhưng có thứ để học khiến tiểu Thiền lập tức cao hứng, nàng là người đi theo Ninh Nghị lâu nhất nên dần dần cũng biết được cô gia có nhiều điểm thần bí thú vị. Tiếp đó dưới sự chỉ bảo của Ninh Nghị, tiểu Thiền dựa vào giai điệu mới mà học từng câu từng cú của bài Thủy điệu ca đầu cho bằng hết.
– Trăng sáng bao giờ có? Nâng chén hỏi trời cao…
– Trăng sáng bao giờ có? Nâng chén hỏi trời cao…
– Chẳng hay trên đây cung khuyết,…
– Chẳng hay trên đây cung khuyết,…
– Ồ, cũng không tệ… Đêm đó nhằm năm nao?
– Ồ, cũng không tệ… Đêm đó nhằm năm nao?
– …
– Hi hi, cô gia hát câu tiếp theo đi nào…
Dù thế nào thì một lát sau Ninh Nghị cũng đã có thể thỏa mãn một chút hoài niệm vì được nghe lại một ca khúc hiện đại. Sau này nếu có thể, có lẽ nên chép hết các ca khúc hiện đại về dạy riêng cho tiểu Thiền, hoặc sau này đi tìm một người chuyên phổ nhạc biểu diễn, rồi giao cho lời cùng phổ của nó, dẫu hát riêng cho mình nghe cũng tốt lắm rồi, không đưa ra đại chúng chắc chẳng sao cả .
– Cảm thấy thế nào? Dễ nghe không?
– Rất là dễ nghe…
Bài thơ có cách hát cố định, những ca khúc dạng này ở cổ đại thường có cùng cách hát, phần nhiều là âm đơn sắc. Nói về độ uyển chuyển và biến hóa thì không thể sánh bằng các ca khúc hiện đại. Bài ca này nhịp điệu cũng nhẹ nhàng, không quá khác so với thời đại này, nếu là hát bài Chuột Yêu Gạo, tiểu Thiền nếu không buồn nôn thì cũng bị hù chết. Lúc này, ánh mắt tiểu nha đầu nhìn về gã đã tràn đầy kính nể và ngưỡng mộ.
– Cô gia còn biết sáng tác…
Ninh Nghị cười:
– Bài hát này hát riêng cho ta là được rồi, đừng có hát lung tung khắp nơi. Một tiểu nha đầu như ngươi lại dám loạn đổi cách hát, nếu bị bắt gặp không chừng sẽ bị người khác nói là không hiểu chuyện, biết chưa?
– Dạ.
Tiểu Thiền nâng tờ giấy kia lên, gật gật đầu.
Advertisement / Quảng cáo
– Tốt rồi… ngủ ngon.
Ninh Nghị leo lên giường tiến vào trong chăn. Một lát sau quay đầu lại phát hiện tiểu Thiền vẫn cứ ngồi ở cái ghế cạnh giường mà nhìn gã, giống như ngồi canh gã ốm mấy ngày trước. Gã khẽ vẫy vẫy tay :
– Ta không sao, đi đi.
Lúc này tiểu Thiền mới phản ứng, mau chóng đứng lên đi ra phía cửa.
– Này, cầm cái thiệp mời ở trên bàn, không khéo không lên được thuyền đấy…
Hô hoán một trận, đợi đến lúc tiểu Thiền thổi tắt đèn cầm thiếp mời đi ra đóng cửa lại, Ninh Nghị mới ngáp một cái thật lớn. Tiếng huyên náo ở trong thành vẫn mơ hồ truyền đến, chút ít ánh sáng chiếu lên khung cửa cũng đủ để chứng tỏ sự náo nhiệt bên ngoài, gã cười cười:
– Một đêm rồng cá rộn ư..
Rồi chìm vào giấc ngủ.
Tiểu Thiền dựa lưng vào cây cột của gian phòng ngây ngốc nhìn một hồi lâu, xác nhận Ninh Nghị thật sự đã ngủ rồi mới đi xuống lầu, về gian phòng của mình châm đèn, lấy bút mực, nàng trải bài thơ có chữ viết xiên xẹo của gã trên bàn, rồi nắn nót chép lại một lần. Nét chữ của tiểu nha đầu rất nhỏ, có một chút gì đó tươi đẹp. Nàng xem đi xem lại bài thơ Ninh Nghị viết mấy lần rồi đỏ mặt giấu nó vào tầng cuối của ngăn kéo, lén lút như một tên ăn trộm.
Sau đó nàng đi ra khỏi sân, thấy trên đường không một bóng người mới chạy một mạch ra cửa lớn, tới chỗ quản sự tìm đến một cỗ xe cùng phu xe nhàn rỗi, cao hứng chạy đến hội thơ Bộc viên để xem náo nhiệt.
Còn trẻ mà, chung quy vẫn là thích náo nhiệt.
———————————-
(1) Tên Hán Việt là Thủy điệu ca đầu. Giải thích về cái tên “Thủy điệu ca đầu” như sau:
Trích:
Thuỷ điệu ca đầu – 水调歌头, còn có tên là Đài thành du – 台城游, Nguyên hội khúc – 元会曲, Khải ca – 凯歌, Giang Nam hảo – 江南好, Hoa phạm niệm nô – 花犯念奴, gồm 2 phiến. “Khâm định từ phổ – 钦定词谱” viết rằng: “Thuỷ điệu là đại khúc của người đời Đường, đã là đại khúc ắt có ca đầu (lời ca), sau đó bỏ lời của điệu này đi, điền lời mới.” Sáng tác từ theo điệu này bắt đầu từ Lưu Tiềm – 刘潜 đời Tống.
Nguồn: http://machuong.thivien/index.php?topic=69.0
(2) Tên bài hát này được lấy bởi câu đầu trong bài thơ Thủy điệu ca đầu của Tô Đông Pha.
Trích:
Nguyên văn Hán Việt:
Minh nguyệt kỷ thời hữu ?
Bả tửu vấn thanh thiên.
Bất tri thiên thượng cung khuyết,
Kim tịch thị hà niên.
Ngã dục thừa phong quy khứ,
Hựu khủng quỳnh lâu ngọc vũ,
Cao xứ bất thắng hàn.
Khởi vũ lộng thanh ảnh,
Hà tự tại nhân gian.
Chuyển chu các,
Đê ỷ hộ,
Chiếu vô miên.
Bất ưng hữu hận,
Hà sự trường hướng biệt thời viên(*).
Nhân hữu bi, hoan, ly, hợp,
Nguyệt hữu âm, tình, viên, khuyết,
Thử sự cổ nan toàn.
Đán nguyện nhân trường cửu,
Thiên lý cộng thiền quyên (**).
Các ghi chú dưới đây là ghi chú của nhà thơ Nam Trân: http://vn.360plus.yahoo.com/hm2003c/…mid=626&fid=-1
(*) Nhớ Tử Do (em của ông).
(**) Tiếng thuyền quyên này nghĩa gốc trỏ mọi người đẹp, không riêng đàn bà, ở đây trỏ Tử Do. Chính là thiền, ta quen đọc là thuyền.
Nguyễn Chí Viễn dịch thơ:
Trích:
Trăng sáng bao giờ có?
Nâng chén hỏi trời cao
Chẳng hay trên đây cung khuyết
Advertisement / Quảng cáo
Đêm đó nhằm năm nao?
Rắp định cưỡi mây lên đến
Chỉ sợ lầu quỳnh điện ngọc
Cao ngất lạnh lùng sao?
Đứng múa với thanh ảnh
Trần thế khác chi đâu.
Xoay gác đỏ
Luồn song lụa
Rọi tìm nhau
Chẳng nên cừu hận
Sao lại nhằm tỏ lúc xa nhau
Người có buồn, vui, ly, hợp
Trăng có tỏ, mờ, tròn, khuyết
Tự cổ vẹn toàn đâu
Chỉ nguyện người trường cửu
Ngàn dặm dưới trăng thâu.