Đêm đó sau khi dỗ Bố Bố ngủ, Tụng Nhiên ngồi một mình trong phòng vệ sinh khó chịu nửa tiếng, phí mất một nửa cuộn giấy vệ sinh, trên đất toàn là giấy nát vụn đẫm nước.
Cậu không thể hiểu được, đang gọi điện thoại yên lành, nói chuyện hoành thánh nhân thịt và canh gừng đường đỏ, tại sao mình lại thần kinh dùng những câu chữ vô lễ như thế để công kích Hạ tiên sinh cơ chứ. Hạ tiên sinh là một thân sĩ chân chính, được giáo dục tốt. Dù có bị cậu xúc phạm nghiêm trọng anh cũng vẫn luôn nói năng chừng mực, nhưng còn cậu thì sao?
Rốt cuộc cậu vẫn không giấu được xuất thân thô tục.
Không có gia giáo, không có tu dưỡng, cho dù bình thường có ngụy trang nho nhã lễ độ đến chừng nào trước mắt người khác.
Thật ra mười mấy năm trước tình huống này đã xảy ra một lần, khoa trương hơn, hậu quả cũng nghiêm trọng hơn. Nếu như không phải vì lần mất khống chế không lý do kia, có lẽ hôm nay Tụng Nhiên đã có một cuộc đời hoàn toàn khác.
Năm đó Tụng Nhiên mới chín tuổi, cậu ở trong một viện mồ côi có tên là “Gia đình hy vọng” ở thành phố T. Trẻ con trong viện mồ côi phần lớn đều có khuyết tật về sinh lý, hoặc tàn tật hoặc bị bệnh. Tụng Nhiên là một trong số ít những đứa trẻ có thân thể khỏe mạnh. Tướng mạo cậu đáng yêu, bẩm sinh đã hiểu chuyện, giống như một quả táo đỏ đặt trong tủ kính, trơn nuột nhẵn bóng, có thể so với đồ trang trí làm bằng nhựa.
Khi vừa được đưa đến viện mồ côi, các cô giáo đã nói với cậu, Nhất định con có thể nhanh chóng rời khỏi chỗ này, vì những đứa trẻ ngoan như con sẽ được những bậc phụ huynh xếp hàng đến đón về nhà.
Thế là Tụng Nhiên yên lòng chờ mái nhà ấy, chờ một cặp bố mẹ yêu thương cậu.
Nhưng có lẽ duyên phận chưa tới, Tụng Nhiên ở lại viện mồ côi rất nhiều năm, bỏ lỡ từng lần từng lần cơ hội được nhận nuôi, mà vẫn không chờ được bố mẹ thuộc về mình. Cậu vẫn lòng đầy hi vọng, mà không biết rằng các thầy cô giáo trong viện mồ côi đều dùng lý do tương tự để cổ vũ mọi đứa trẻ.
Rốt cuộc, tại một ngày trời thu nắng vàng rực rỡ, cơ hội mà Tụng Nhiên mong chờ đã đến.
Khi ấy cậu một mình ngồi trên giường nhỏ gấp sao, cô giáo trong viện mồ côi mở cửa gọi cậu, nói cô chú hẹn gặp mấy ngày trước đã đến rồi. Lần gặp mặt rất đặc biệt, chỉ trưng bày một quả táo là cậu.
Cô giáo nói: “Không có bạn khác tranh với con, nên con phải nắm chắc lấy cơ hội, biết chưa nào?”
Tụng Nhiên gật đầu.
Dựa theo kế hoạch, cậu sẽ ôm một bình sao giấy lấp lánh sắc màu ra ngoài để làm quà tặng cho bố mẹ nuôi tương lai. Một món quà tự tay gấp, ngập tràn tấm lòng ngây thơ chất phác, ai lại không thích cơ chứ?
Nhưng mà, cặp vợ chồng Tụng Nhiên gặp này lại cực kỳ bắt bẻ, không dễ dàng cảm động vì sao giấy tự tay làm.
Bọn họ muốn nhìn những thứ chính xác.
Bác gái trang điểm đẹp đẽ kia lấy một tờ giấy từ trong túi xách và mở thành ba phần, nom như một danh sách dài dòng và rườm rà. Trong quá trình nói chuyện với Tụng Nhiên, cứ cách một hồi bà ta lại cầm bút đánh dấu mấy mục trên giấy. Tụng Nhiên không biết nội dung cụ thể của tờ danh sách này, nhưng cậu đoán được mục được đánh dấu càng nhiều thì xác suất được nhận nuôi lại càng lớn. Bởi vì mỗi lần đánh dấu, ánh mắt dò xét của bác gái kia sẽ thêm một phần dịu dàng, lại thỏa mãn gật đầu một cái.
Tiêu chuẩn có khắc nghiệt đến đâu thì biểu hiện của Tụng Nhiên vẫn không thể bắt bẻ.
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ trong viện mồ côi đều được dạy một chút quy tắc, biết phải làm thế nào mới có thể khiến bố mẹ nuôi yêu thích. Cặp vợ chồng đến nhận nuôi này cũng biết được điều đó, nhưng con người đều có nhược điểm, nhìn thấy những hình tượng tích cực đẹp đẽ sẽ không quá tính toán xem trong đó tiềm ẩn bao nhiêu dối trá.
Mà Tụng Nhiên có một sở trường khống giống bình thường – Cậu có thể làm tiêu tan hết những dấu vết biểu diễn cứng nhắc.
Những đứa trẻ khác cười bằng miệng và răng, Tụng Nhiên lại dùng một đôi mắt cười, luôn luôn cong cong hơi híp lại. Đôi mắt cậu tựa như nắng mai, như kẹo trái cây màu cam, đế người ta vừa nhìn đã nếm được vị ngọt.
Những đứa trẻ khác cười sẽ thường xuyên toát lên vẻ lo lắng, đó là bất an vì sợ mình biểu hiện không tốt, nhưng Tụng Nhiên thì không. Cậu sẽ chôn vùi cảm xúc tiêu cực tận sâu dưới đáy lòng, sẽ thôi miên bản thân để mình nở một nụ cười trong veo xuất phát từ trái tim, khiến người khác không tìm được những âm u mà nó che giấu.
Trong ván cờ này, những đứa trẻ mồ côi học được dối trá, mà người nhận nuôi lại học được cách đề phòng dối trá của chúng. Chỉ có Tụng Nhiên có thể để cho những người nhận nuôi kén chọn nhất không tìm ra được chút sai lầm, có thể tin những gì mình thấy là chân thực.
Cuộc gặp mặt ngày đó kéo dài ròng rã ba tiếng đồng hồ. Năm giờ chiều, mặt trời ngả dần về phía tây, bác gái bắt bẻ cũng đánh dấu kín những mục trong danh sách của mình.
Bà ngồi xuống bên cạnh Tụng Nhiên, lần đầu tiên dịu dàng xoa đầu cậu rồi nói với cô giáo viện mồ côi: “Xã hội bây giờ thật sự càng ngày càng khó hiểu. Một đứa trẻ ưu tú như Tụng Nhiên đây, thông minh, ngoan ngoãn, khéo léo, miệng cũng ngọt, nếu mang ra ngoài chẳng phải là rất có mặt mũi ư. Nếu tôi mà tự sinh tự nuôi cũng chưa chắc đã dạy dỗ được ngoan thế này, thế mà sao lại có người bỏ rơi không cần nhỉ? Cô à, tôi đã nhắm trúng thằng bé rồi, cho một trăm điểm, nhất định sẽ đưa về nuôi dạy thật tốt.”
Trừ đồng ý nhận nuôi, cặp vợ chồng kia còn đồng ý sẽ quyên tặng cho viện mồ côi một số tiền lớn để bày tỏ lòng cảm ơn từ đáy lòng. Cho nên cô giáo viện mồ côi không ngừng đi làm thủ tục với họ, để Tụng Nhiên ở một mình trong căn phòng nọ.
Thảo nào không ai cần.
Ngón chân cái trái của Tụng Nhiên vạch một chữ S trên sô pha, chân phải thì vạch một chữ B. Cậu nhìn chằm chằm vào hai chữ này trong chốc lát, hai chân bất an chà xát, lại chui vào trong sô pha sâu hơn một chút.
*SB: ngu ngốc, từ lóng bên Trung Quốc.
Cậu giả làm nấm hồi lâu, vậy mà đầu kia vẫn chưa tắt điện thoại, Hạ tiên sinh vẫn im lặng.
Nhanh cúp máy đi!
Thanh máu quá mỏng, sắp không chịu được rồi.
Tụng Nhiên nuốt một ngụm nước bọt, lắp bắp nói: “Ừm, Hạ tiên sinh, tôi thật sự… Thật sự cực kỳ xin lỗi ngài. Đầu óc tôi thi thoảng lại không bình thường, nếu ngài vẫn chưa nguôi giận, thế thì… Ngài mắng lại đi? Tôi cam đoan sẽ khiêm tốn tiếp thu giáo huấn, không cãi lại một chứ!”
Hình như bên kia hơi thở dài, nhưng vẫn không lên tiếng.
Tụng Nhiên không chờ được đáp lại, đầu cúi càng thấp hơn. Cậu kề cái trán lạnh lẽo trên đầu gối, ngực đau xót quá đỗi: “Vậy… Nếu ngài không có chuyện khác thì tôi, tôi không quấy rối nữa. Hạ tiên sinh, xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi.”
Cậu liên tục nói ba tiếng xin lỗi, sau đó vội vàng nhấn xuống như chạy trối chết.
Điện thoại rơi xuống, Tụng Nhiên dùng hai tay ôm lấy đầu gối, lâm vào trầm mặc.
Bố Bố vẫn đang nghiêm túc vẽ tranh trong phòng, lúc thì tô màu, lúc lại chọn chọn lựa lựa trong hộp bút chì. Tụng Nhiên ngẩng đầu chăm chú nhìn bóng lưng nho nhỏ của bé, hỏi: “Bố Bố, sáng mai em muốn ăn gì?”
“Sáng mai hả?” Bố Bố thả giấy bút xuống quay người lại, vịn thành ghế nghiêm túc suy nghĩ: “Sáng mai muốn ăn trứng chần, với cháo nữa, tốt nhất là loại đặc, nồng nàn, thơm thơm ấy ạ!”
Tụng Nhiên gật đầu: “Được, anh sẽ làm cho em.”
Cái gì anh cũng làm cho em.
Cậu vùi mình suy sụp trên sô pha một lúc, bỗng đứng dậy nhặt mấy trăm ngôi sao giấy rải rác khắp nơi về một chỗ rồi cất trong lọ thủy tinh, lại nhặt từng quyển sách tranh đang bày bừa bốn phía lên xếp lại ngay ngắn, chia làm ba chồng dựa vào năm xuất bản. Cậu đặt nó lên bàn tra, vào phòng ngủ lấy một sợi dây nilon ra cột chặt từng chồng, lại thắt một chiếc nơ bướm xinh đẹp.
Bố Bố thích tranh cổ tích như vậy, những thứ này coi như là quà tặng bé đi.
Dù sao lúc cậu muốn tham khảo lời thoại vẫn có thể mượn bên tạp chí.
Bố Bố nghe thấy động tĩnh thì tò mò quay người lại: “Anh ơi, anh đang làm gì thế?”
“Phòng khách… Hơi bừa bộn, anh dọn dẹp lại một chút.” Tụng Nhiên cố gượng cười: “Còn Bố Bố thì sao? Vẽ thế nào rồi?”
Bố Bố cười hì hì: “Vẽ đẹp lắm ạ, nhưng mà chưa xong. Hôm nay nhiều hoa lắm nha, mỗi bông là một màu, mắt em sắp thêu hoa rồi đấy! Anh ơi, mai anh vẽ ít thôi, chỉ vẽ hai bông. Em nghĩ kỹ rồi, một bông tô màu đỏ tươi, một bông tô màu vàng sáng.”
“Được, ngày mai… Anh chỉ vẽ hai bông cho em thôi.”
Tụng Nhiên nói với bàn trà, trong lòng trống rỗng, không biết mình đang đồng ý với ai.
______________________
Người post: Yến Nhi