4 giờ chiều, trong một lớp học trống trên tầng bốn…
Tôi co rúm lại một góc, toàn thân nép sát vào cửa sổ, đến cả hít thở cũng phải thận trọng khẽ khàng. Cách đó không xa, Việt đang ngồi trên một mặt bàn gần với bục giảng. Hai tay cậu bỏ hờ trong túi quần, miệng ngâm nga một bài hát nào đó và chân thì đung đưa theo nhịp. Bên dãy đối diện, Minh cũng đang gác chân lên ghế, nhẹ ôm lấy cây đàn guitar classic màu trà. Bàn tay ngẫu hứng gảy thử lên vài nốt, lúc thánh thót, khi dìu dặt. Có vẻ như cả hai người bọn họ đều rất thoải mái và thảnh thơi, hoàn toàn trái ngược với sự căng thẳng của tôi lúc này.
Trời ơi…!
Tôi đã sám hối bằng cách đập mặt xuống gối cả đêm rồi, nhưng vẫn không sao tha thứ nổi cho cái sự manh động của mình ban sáng. Đã thôi làm cán bộ lớp những ba năm rồi cơ mà! Ai mướn tôi “yêu nghề” dữ vậy?!
“Hai người lại gần đây!”
Cái gì? Lại gần đây?
Đang mải miết đập đầu vào chấn song cửa sổ, cái giọng trầm trầm dõng dạc của người nào đó đột ngột cất lên làm tôi không khỏi phát hoảng, giật thót một cái.
“Sao vậy?”
Minh tì khuỷu tay lên thùng đàn. Khóe miệng cậu hơi nhếch lên có chút giễu cợt.
“Bạn trai ở ngay bên cạnh rồi mà vẫn còn sợ sẽ bị tôi ăn thịt hay sao?”
Tất… tất nhiên là không phải thế rồi! Khi tôi nhận ra nét mai mỉa trong lời nói của Minh, thì Việt đã nhảy xuống đất, đi thẳng xuống chỗ tôi đang ngồi.
“Không việc gì phải lo lắng cả! Có tớ ở đây rồi.” Việt nhìn tôi mỉm cười. “Chúng ta hát song ca cơ mà, chỗ nào khó tớ sẽ phụ.”
Nói xong, cậu chộp lấy tay tôi, dứt khoát kéo đến trước mặt Minh. Đến nơi rồi vẫn còn nắm chặt.
“Bắt đầu được chưa, lớp trưởng?”
Minh ngẩng lên. Nụ cười còn đọng lại trên khóe môi kia càng trở nên sâu sắc. Có lẽ đã rất lâu rồi tôi không nhìn thẳng vào cậu như thế. Vẫn là đôi mắt đen láy tuyệt đẹp của người từng cho tôi mượn bút thước hồi lớp sáu. Vẫn là bộ dạng kiêu kì xa cách của chàng Liên đội trưởng 9D đã thẳng thừng từ chối tôi năm nào…
Tôi tự hỏi, cái vẻ tôn thờ lúc cậu quỳ một gối xuống và hôn lên cổ tay tôi đêm hôm đó, cái ánh nhìn thấm đẫm bi thương khi Minh nói lời yêu tôi đêm hôm đó, chúng đang nằm ở đâu dưới nét mặt ngạo nghễ này…?
“Được thôi! Hai người hát qua một lượt trước. Tempo tùy chọn. Tôi sẽ theo đó đệm vào.”
Minh ngồi thẳng dậy, đưa những ngón tay trắng trẻo và thon dài nhẹ vuốt qua từng phím đàn, dịu dàng nhất mực. Lần duy nhất cậu tham gia văn nghệ mà tôi được thấy là khi Minh đứng lên đệm đàn cho Quyên hát trong buổi liên hoan giao lưu Liên đội mạnh cấp thành phố năm lớp tám. Nhưng hồi đó Minh sử dụng cây Organ của cô giáo dạy nhạc. Đôi bàn tay vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển ấy đã hút mất hồn tôi. Đế rồi đêm về cứ nhung nhớ mãi, đến không sao ngủ được…
…
“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…” (1)
Giọng hát của Việt vang lên, ngay lập tức đã kéo tôi quay trở lại thực tại. Tôi vội vã quay đầu sang nhìn Việt. Đáp lại chỉ là một cái nháy mắt đầy ý nghĩa.
Việt… hát hay quá! Giọng cậu bình thường ấm áp và nhẹ nhàng, sao khi ghép vào lời bài hát này lại tràn ngập cảm xúc và đậm chất trữ tình thời chiến đến như thế?
Rõ ràng Việt đang ngồi trên mặt bàn trong lớp học, mà tôi như nhìn thấy sau lưng cậu là cả một dải đại ngàn hùng vĩ bao quanh dãy núi thiêng. Từng câu từng từ đều như được thổi hồn vào trong đó. Từ tốn. Lắng đọng.
Tôi chăm chú nghe Việt “phiêu” đến quên cả nhiệm vụ của mình. Tận khi cậu ngừng lời rồi , tôi vẫn còn đang ngơ ngẩn.
“Đơn giản thôi, đúng không?”
Việt nhìn tôi cười xòa. Vẫn nụ cười tỏa nắng ấy, thứ đã khiến tôi bình yên lại sau bao lần sóng gió tràn qua tim…
“Cậu cứ tưởng tượng như đang hát một mình ở nhà thôi, đừng để tâm đến bất kì điều gì khác. Coi mình như cô gái trong bài, đem tất cả tình cảm gửi vào giọng hát mà hướng tới người mình yêu thương ở nơi xa.”
“Ừm!”
Tôi gật đầu. Tay cũng khẽ nắm lại. Bây giờ không phải lúc nghĩ ngợi lung tung. Quan trọng nhất là để tâm vào luyện tập với Việt sao cho buổi biểu diễn có thể thành công nhất. Cứ vậy đã.
Bài hát này tôi rất thích, đã ngân nga đến hàng trăm lần rồi nên về nhạc lý không có gì quá sức cả. Chỉ là khi hát song ca phải luôn chú ý đến người bên cạnh, sao cho đôi bên không bị lạc lõng với nhau cũng như với toàn bài. Hai chúng tôi bắt đầu đứng lên, nâng một tay theo tư thế cầm mic, vừa nhìn nhau vừa hát. Nụ cười của Việt vẫn treo mãi trên môi qua từng câu hát, gặp ánh mắt tôi lại càng thêm da diết nồng nàn.
Cứ thế, tôi một câu, Việt một câu, ăn ý và ngọt ngào. Chuyên tâm đến mức tiếng đàn của Minh chen ngang từ bao giờ tôi cũng chẳng hay biết, chỉ ra sức truyền tải mối tình tha thiết trong chiến tranh giữa hai con người trẻ tuổi, đang đêm ngày dốc lòng vì Tổ Quốc ấy…
“Từ bên em đưa sang bên nơi anh những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến. Như tình yêu nối lời vô tận, Đông Trường Sơn nối… Tây Trường Sơn…” (1)
Bộp! Bộp! Bộp!
Tôi vừa dứt giọng đã nghe tiếng vỗ tay rời rạc bên dưới. Minh đang ngả người ra ghế, hai tay phát ra tiếng tán thưởng nhạt nhẽo, y như nụ cười trên môi cậu lúc này.
“Rất hay! Giọng nam ấm áp, giọng nữ trong trẻo, tình cảm và hòa quyện. Lúc đồng ca phân bè hợp lý, không rối, cũng không bên nào bị át bởi bên nào. Trình diễn tự nhiên, ăn ý. Nói chung là tốt hơn tất cả những gì tôi có thể tưởng tượng!”
“Cảm ơn!” Việt gật đầu, hơi nghiêng người cười với Minh. “Tôi không phải một lựa chọn tồi khi đứng cạnh Mai chứ?”
“Hoàn toàn không!”
Minh tiếp tục cười nhạt. Cậu đứng lên, giơ chiếc đồng hồ dây da màu đen vẫn luôn gắn trên cổ tay ra trước mắt.
“Hai người có thể về được rồi. Những ngày tới cũng không nhất thiết phải tập lại, chỉ cần giữ vững phong độ này là ổn. Trước ngày hội trại thì đến tổng duyệt chương trình, tôi sẽ báo lại sau. Vậy nhé.”
“Thế còn cậu? Không tập luôn sao?”
“Tôi có thể tự tập một mình được!”
Nói rồi, Minh nhét cây đàn guitar của mình vào trong bao da rồi khoác lên vai. Chẳng thêm một lời tạm biệt, cậu quay người bỏ đi. Bóng lưng cô độc cứ nhấp nhô trong những tia nắng yếu ớt cuối chiều.
Sự cô độc mà mãi đến tận gần đây tôi mới nhận ra, đôi chút thảng thốt…
…
“Mình cũng về thôi! Tối còn đi học thêm nữa.”
Việt vỗ vai tôi thật nhẹ. Bàn tay ấm áp cũng dần xuôi theo đó mà tìm lấy những ngón tay tôi, dịu dàng lồng vào. Trên danh nghĩa chúng tôi vẫn đang quen nhau, nhưng hơn tháng nay tôi rất ít khi tỏ ra thân mật với cậu. Ở trên trường lại càng không. Dù không nói ra nhưng tôi biết, Việt buồn lắm. Những giờ nghỉ, thay vì chạy qua bàn tôi như mọi khi, cậu lại ngồi trầm tư nhìn ra khoảng trời bao la bên ngoài cửa lớp. Những lúc ấy tôi mới hiểu, rằng Việt không phải là người hay cười như tôi vẫn từng nghĩ đâu. Chỉ là khóe miệng cậu vốn đậm nét, hơi đưa lên một chút đã vẽ ra một nụ cười thật đẹp.
Cười đấy. Nhưng không cười đấy.
Là miệng cậu đang cười. Nhưng cõi lòng kia… liệu có đang cười như vậy không…?
***
Hội trại năm nay được tổ chức ngay dưới sân trường với quy mô nhỏ hơn hai năm trước một chút. Tôi đếm được tất thảy mười trại cho cả hai khối mười và mười một, đủ mọi kích cỡ lẫn màu sắc. Suốt buổi sáng, lũ học trò chỉ tập trung dựng trại, đến chiều lại đổ dồn về mấy trò chơi tập thể do các chi Đoàn tự đứng ra tổ chức, nên mãi đến 7 giờ tối, khi buổi liên hoan văn nghệ chính thức được mở màn, mọi người mới lục tục tập trung bên dưới sân khấu. Đông đến nghẹt thở. Hơn hẳn những buổi diễn ngoại khóa vào tiết năm thứ hai hàng tuần.
“Hay lắm! Không ngờ đấy! Khán giả cứ gọi là há hốc mồm nhé! Nhìn hai người tình cảm thế tụi này thèm chết đi được!”
Tôi vừa lui vào trong cánh gà sau màn diễn của mình, Phương từ đâu đã nhảy ra, vừa vỗ tay vừa hú huýt ầm ĩ.
“Chết mày rồi Việt ơi! Mấy em gái lớp dưới đang đạp đổ cả cửa lớp mình đòi gặp anh Trường Sơn Tây này! Tao nghe giọng cái Chi to nhất nhé!”
Thắng đứng cạnh Phương cũng bá lấy cổ Việt buông lời trêu chọc. Nhìn “anh bộ đội” đùa giỡn chí chóe mất hết cả hình tượng người lính hào hùng mà lãng mạn vừa rồi, tôi không khỏi cười phì ra miệng. Công nhận, trong bộ quân trang màu xanh lá này, dáng vóc đậm chất thể thao của Việt càng thêm nổi bật. Nhìn vào lồng ngực rộng lớn cùng đôi vai nở nang kia, qua một lớp áo kín bưng mà đến tôi còn phải vô thức nuốt xuống một cái.
Tất nhiên, khoảnh khắc đen tối này không qua khỏi mắt Phương. Nó cười hi hi, cúi đầu thầm thì:
“Sao thế? Giờ mới nhận ra chàng sexy thế nào à?”
“Xì!”
Tôi vội vàng quay mặt đi chỗ khác, hơi xấu hổ vì bị bắn trúng tim đen. Ở bên nhau đã một năm, đương nhiên là tôi hiểu Việt không hề tệ, bất kể ở ngoại hình hay tính cách, tư chất. Có điều, dáng vẻ của cậu lúc này so với người con trai ngày nào cầm hoa run rẩy đứng ra trước mặt tôi, sao khác quá…! Việt hiện tại cao lớn hơn, thuần thục hơn, điềm tĩnh hơn, và có lẽ, cũng nhiều ưu tư hơn.
Là vì tôi, đã khiến cho cậu không thể tiếp tục vui vẻ mà sống như một chàng trai mới lớn tràn đầy nhiệt huyết được nữa, không sai chứ…!
…
Khi tôi còn đang vùi mặt vào khăn ướt cố lau đi những mảng son phấn bám chặt trên da mình, thì cặp loa thùng đặt hai bên hiên sân khấu đã vang lên những tiếng guitar vừa thân quen vừa xa lạ.
“Tuổi hồng thơ ngây dưới mái trường, tuổi thơ đã đi xa rồi, để lại trong tôi một nỗi buồn, nói lên tiếng yêu lặng thầm, anh dành cho em…” (2)
Cả sân trường tưởng chừng vỡ òa trong tiếng hò reo cổ vũ khi chất giọng trầm lặng nào kia bỗng cất lên.
Còn tim tôi, dường như đã lạc đi đâu mất hút, không sao kéo về nổi.
Minh đang ngồi một mình ngay chính giữa sân khấu, bao bọc tứ phía bởi những ánh đèn màu. Trên chiếc ghế quầy bar rất cao, đôi chân dài của cậu hơi gập lại, nhẹ nhàng nâng lên cây guitar màu trà. Minh không ăn mặc quá cầu kì, vẫn chỉ độc chiếc sơ mi trắng đồng phục thường ngày, buông hờ hững bên ngoài quần bò màu xanh nhạt.
“Khi biết tin em rồi, lòng anh bỗng se thắt lại, và khi tiếng chuông giáo đường chợt ngân xe hoa dừng lại, em là cô dâu khoác áo hồng sánh vai bước đi bên chồng, tình anh đơn côi…” (2)
Giọng cậu rất trầm, và thấm đẫm sự bi thương mà tôi đã từng thấy hàng chục lần trong đôi mắt đen láy xa xăm ấy. Đi kèm với tiếng guitar thô mộc êm dịu và khoan nhặt, từng câu từng chữ cậu thốt ra đều cất giấu một nỗi buồn nào đó, đến thắt gan thắt ruột. Sự tuyệt vọng của chàng trai trong bài hát như ùa thẳng vào cõi lòng tôi, len lỏi tận trong từng hơi thở.
Bất lực đến ám ảnh.
Một tràng pháo tay có lẽ là bùng nổ nhất từ đầu chương trình lập tức ào lên dữ dội. Tất cả học sinh nãy giờ vẫn còn đang lảng vảng trên các tầng lầu đều đã đổ dồn xuống dưới sân để bày tỏ lòng hâm mộ trước tiết mục quá sức ấn tượng của chàng lớp trưởng 12C vừa rồi. Chỉ riêng tôi là đứng lại. Nếu phải đối mặt với Minh lúc này, chắc tôi sẽ khóc mất.
Lại là vì tôi, có phải không…?
Lại là vì tôi, nên dù có là Minh, hay Việt, cũng đều bị sự hèn nhát và do dự này giam vào trong những nỗi buồn, chẳng biết phải làm sao mới có thể giải thoát.
Tất cả đều vì sự yếu đuối của tôi thôi…!
***
Tôi đứng gục đầu trên lan can tầng hai, ngay đối diện với sân khấu. Phương đã chạy xuống dưới từ lâu, còn Việt bị Thắng lôi đi đâu ngay sau tiết mục của mình. Trong những cảm xúc đầy rối ren ấy, tôi nghe loáng thoáng cặp MC trao đổi gì đó với Minh, và rồi tiếng đàn của cậu lại tiếp tục cất lên. Là một giai điệu khác, cũng buồn không kém.
“Nếu anh gặp em từ đầu, có lẽ đã không đi qua bể dâu…” (3)
Lần này thì, nước mắt của tôi đã không còn giữ lại được trên khóe mi nữa.
Minh đột nhiên ngẩng mặt. Đôi mắt buồn trong một khoảnh khắc đã lướt qua người tôi. Ngắn ngủi thôi, và tôi cũng đã lùi ra đằng sau ngay lúc đó, nhưng vẫn không sao ngăn được cảm giác, là Minh đang tìm kiếm tôi…!
“Nếu mai rời xa nhìn lại, trong giấc mơ anh em sẽ hiện ra, như tuyết mùa hè rạng ngời trong màu áo trắng phau…” (3)
Tiếng đàn cứ thế rả rích rót vào tai tôi, thành những giai điệu bập bùng chẳng còn phân rõ trầm bổng. Chỉ có chất giọng rung rung nhè nhẹ của Minh là nổi bật lên trên đó, như một cơn giông tố khuấy đảo đến những ngóc ngách sâu nhất trong tim tôi. Đến day dứt cồn cào.
“Nếu em rồi sẽ ở lại, anh sẽ biết yêu em hơn ngày xưa. Nếu những màu sắc nhạt dần, anh sẽ vẽ em với màu nỗi nhớ…” (3)
Nếu như bây giờ tôi quyết định quay trở lại với Minh…?
Nếu như tôi bỏ lại mọi thứ mà liều mình đuổi theo bóng lưng cô độc ấy…?
Nếu như tôi chấp nhận biến mình thành một kẻ tàn nhẫn và xấu xa khi sẵn sàng đem những giọt nước mắt của một người ra, để đổi lấy nụ cười cho một người…?
Nếu như tôi dám một lần bất chấp tất cả…?!
…
Minh đã hát đến bài thứ năm trong tối nay rồi.
Đôi tay cậu liên tục di chuyển trên những dây đàn một cách mạnh mẽ và quyết đoán. Những tiếng vỗ thùng đàn bụp bụp mới lạ và cuốn hút như thổi bùng lên ngọn lửa cuồng nhiệt dưới sân trường.
Giờ là một bản soft rock vô cùng nổi tiếng của ban nhạc Air Supply mà tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Tại sao đến tận bây giờ tôi mới để ý đến lời của nó? Tại sao chỉ đến khi Minh hát lên, tôi mới bài hát này cũng có thể khiến mình đau đớn đến như vậy?
“Anh có thể thấy được nỗi đau vương trên đôi mắt em,
Anh có thể hiểu được tất cả những gì em đang phải chịu đựng.
Anh biết tình cảnh của em mà, anh thông cảm lắm,
Vì em chính là điều ý nghĩa nhất đối với cuộc đời anh…” (4)
Tôi chỉ còn biết cắn chặt lấy cánh tay đến sưng phồng chỉ để mình không khóc nấc lên ngay tại đó.
“Em chưa từng hỏi anh một câu
Rằng vì sao trái tim anh cứ phải luôn đóng chặt?
Và đến giờ thì em đừng hỏi anh điều ấy nhé,
Anh sợ rằng mình sẽ chẳng che giấu nổi nữa đâu…” (4)
Tôi, đã bị đẩy tới giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng rồi!
“Hãy để anh một mình chịu đau đớn thôi em!
Còn hơn bắt anh phải đứng trước đôi mắt em nhỏ lệ…
Anh chẳng còn gì để khiến mình cố gắng thêm nữa,
Chỉ có thể là chia tay thôi… em yêu ơi…!” (4)
———-
(1) Lời bài hát “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, nhạc Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật.
(2) Lời bài hát “Tuổi hồng thơ ngây”, không rõ tên tác giả.
(3) Lời bài hát “Tuyết rơi mùa hè”, sáng tác của Trần Lê Quỳnh.
(4) Lời Việt mình tự chế vào dựa trên bài hát gốc “Goodbye” do Air Supply trình bày. Xin các fan của bài hát cũng như ban nhạc vô cùng thông cảm.