Cappuccino – Chương 174: Chap 172 – Botruyen

Cappuccino - Chương 174: Chap 172

“Tôi cầm trên tay

Hai mùa hạ đỏ

Một mùa gặp gỡ

Một mùa chia ly

 

Nhưng đâu hạ ơi

Mùa mình hội ngộ

Em ơi còn nhớ

Hay em đã quên?”

-Kính…coong…kính…coong…

Đang ngủ trưa, tôi chợt giật mình thức giấc bởi tiếng chuông cổng vang lên ở nhà dưới. Theo thói quen, tôi định bật dậy khỏi giường để chạy xuống mở cổng nhưng cảm giác cứng ngắc, và nằng nặng ở chân kéo tôi thoát khỏi cơn mê ngủ và chợt nhớ ra chân mình đang bị gãy.

Chỉ mới bị cách đây không lâu nên tôi vẫn chưa thể quen chiếc chân gãy của mình. Chân bị gãy đồng nghĩa với việc không thể chơi bời gì nữa. Những ngày rảnh ở nhà tôi chỉ dành cho một công việc duy nhất đó là…ngủ.

Tôi coi trên TV thấy người ta nói rằng khi ngủ xương sẽ phát triển rất mau vì thế những lúc ở nhà tôi cứ ngủ li bì mỗi khi rảnh mong cho chiếc chân gãy của mình mau lành lại. Có lẽ vì thế mà sau khi chân tôi hồi phục tôi tăng đến hơn 3 kí.

Thường thì người nhà tôi ít khi có người lui tới, nếu là bạn của ba tôi thì chỉ có đến vào buổi tối để bày tiệc nhậu trên sân thượng chứ hiếm ai đến vào ban trưa nóng hổi nóng hả như vậy. Thế nên tôi cố gắng dỏng tai lên nghe từng bước di chuyển của ba tôi ra đến cổng:

-Tụi con tìm ai vậy?

Tiếng của ba tôi cất lên, nghe chừng ba tôi chưa gặp người này lần nào cả.

-Dạ, tụi con tìm Phong, bạn có ở nhà không chú?

-Ừ, nó trên lầu đó, để chú dẫn tụi con đi!

Và rồi tiếng dép lẹp xẹp lại vang lên nhưng không làm cho tôi có tí hứng thú nào nữa cả, trái lại còn làm tôi cảm thấy lo gấp mấy lần. Nghe qua giọng nói tôi đã biết đó là thằng Đức, nhưng tôi không biết nó đi với ai vì người còn lại chưa lên tiếng. Nhưng chắc lại là một đứa bạn nào đó của nó.

Khi tiếng chân đã đến gần phòng, tôi lật đật trùm kín mền giả vờ ngủ nhưng tai vẫn vểnh lên để nghe động tĩnh xung quanh. Tôi nghe ba tôi tiến lại gần lay vai:

-Phong, dậy mày! Có bạn mày đến chơi kìa!

-Ơ, con buồn ngủ quá, bảo bạn con đợi dưới phòng khách đi!

Tôi lều bều như mấy người say rượu thường làm. Nhưng cách này xem ra không hiệu nghiệm với ba tôi chút nào, trái lại ông còn giật tấm mền gắt tôi một tiếng:

-Có cần tao dội mấy ca nước cho tỉnh không?

-Dạ, hề hề con tỉnh rồi, khỏi ba!

Tôi hoảng hồn ngồi dậy trước khi ba tôi xuống nhà dưới múc mấy ca nước lên thật. Ai chứ ba tôi ít khi nói chơi, đặc biệt là trong việc dạy dỗ tôi, thằng con lúc nào cũng gặp chuyện họa vô đơn chí cả.

-Bạn mày tới thăm đấy, liệu mà tiếp người ta cho đàng hoàng!

Ông tặc lười rồi từ từ rảo bước ra khỏi phòng. Khi cửa phòng vừa đóng lại, không khi đột nhiên trở nên căng thẳng hơn. Giờ thì tôi có thể nhìn thấy rõ hai người đang đứng trước mặt tôi là thằng Đức và em của nó, bé Tiên.

Cái chân tôi bị gãy cũng là do nó đã kêu cả đội nó đá rắn với tôi. Bây giờ đến thăm tôi không khác nào mèo khóc chuột, tôi không lạ gì ý đó của nó bèn nhếch môi:

-Mày tới đây làm chi đấy, tao bị gãy chân còn chưa đủ thảm hả?

Thằng Đức khẽ nhăn mặt, tôi biết nó đang khó chịu với câu nói của tôi, nhưng nó vẫn cố gắng bình giọng:

-Tao tới đây không phải để chọc mày, tao tới đây để cảm ơn.

-Cảm ơn? Về việc gì?

-Kì kiểm tra tiếng anh vừa rồi, con bé Tiên được 8,5 điểm nên nó muốn tao đưa nó tới đây để cảm ơn mày!

Vừa nói hết câu, con bé đã nhanh nhẹn chạy đến ngồi kế bên tôi, tay cầm một bịt quýt đầy ấp đưa lên:

-Biết anh bị gãy chân, em mua quýt cho anh ăn nè, thích hông?

-À, cảm ơn em, anh thích lắm!

-Để xem lột vỏ cho anh ăn nghen!

Không kịp đợi tôi đồng ý, nó liền lấy một trái quýt trong bịt ra, nhanh nhẹn bóc lớp vỏ ngoài rồi tách cho tôi nữa trái quýt. Dù quýt không phải là món khoái khẩu của tôi nhưng trước ánh nhìn chờ đợi của nó, tôi cũng cười khì rồi tách đến 3 múi bỏ vào mồm nhai nhòm nhèm, cảm giác cổ họng như được làm dịu mát đi rất nhiều:

-Ngon thiệt đó, cảm ơn bé Tiên nghen!

-Hihi, hông có gì, anh giúp em làm được bài điểm cao, em phải cảm ơn chứ!

-Hề hề, không có gì đâu thấy em được điểm cao anh cũng vui rồi!

-Mà Phong này, cái chân của mày có nặng lắm không?

Đến lượt thằng Đức cũng hỏi thăm tôi, biết nó đến đây không có ác ý gì, tôi cũng cởi mở hơn:

-Cũng không nặng lắm, chắc chỉ tầm 1 tháng hơn là khỏi thôi!

-Ừ, vậy cũng tốt rồi!

Thực sự thì tôi cũng muốn nhắc tới chuyện của thằng Bảo lắm, nhưng có bé Tiên ở đây tôi cũng ngại. Bé Tiên là một đứa khá tò mò và hiếu động, nếu để nó biết được có chuyện gì đó xảy ra với anh nó, chắc chắn nó sẽ hỏi tới cùng cho bằng được. Thế nên buổi nói chuyện chỉ có quanh đi quẩn lại tôi với bé Tiên ngồi nói chuyện với nhau.

Để bé Tiên chơi một lúc nữa, thằng Đức cũng đứng dậy ra về, tuy nhiên nó không về ngay mà kêu bé Tiên xuống nhà dưới trước:

-Tiên, em xuống dưới đợi anh trước đi, anh có vài chuyện muốn nói với anh Phong!

-Chuyện gì, em cũng muốn nghe!

-Thôi ngoan đi! Chỉ là mấy chuyện trên lớp thôi!

-Vậy thì để em ở đây cũng có sao đâu mà hai!

-Có nghe anh hông, đi xuống dưới đợi anh?

Trước thái độ cứng rắn của thằng Đức, con bé phụng phịu bỏ xuống nhà dưới, hai má của nó phồng lên tỏ vẻ bất bình thấy rõ. Có vẻ thường ngày thằng Đức cũng khá nghiêm khắc nên con bé của không dám cãi nhiều.

Đợi cho con bé đi khỏi, nó mới đi đến gần chỗ của tôi móc trong túi ra một chai dầu gió màu trắng:

-Nè, mày cầm đi, khi nào bỏ bột xức cho mau lành, ba tao cũng sài loại này đó!

Nhà tôi vốn nổi tiếng trị trật đả từ đó đến giờ, nên những phương thuốc như những chai dầu gió này không thiếu, nhưng đây là món quà từ thằng Đức nên tôi không tiện từ chối, đành nhận cho êm xuôi mọi chuyện.

Đưa cho tôi chai dầu xong, nó vẫn đứng lớ ngớ ở đó, tay liên tục gãi đầu như đang suy nghĩ chuyện gì khó khăn lắm. Rồi nó mở miệng gượng gạo:

-Việc của thằng Bảo tao cảm ơn mày với Noemi nhiều!

-À, chuyện đó không có gì, có qua có lại thôi!

-Ừ, chuyện của tao coi như xong rồi, tụi bây khỏi cần bận tâm gì nữa, tao sẽ không làm phiền tụi bây nữa đâu, thôi tao về đây!

Chợt nó khựng lại như đang bỏ quên chuyện gì:

-Mà mai mốt nếu mày có rảnh thì cứ qua nhà tao chơi lúc nào cũng được, cho con bé Tiên nó vui!

-Ừ, tao biết rồi!

Thế là chuyện giữa tôi và thằng Đức coi như kết thúc từ đây. Tôi đặt lưng xuống giường thở phào nhẹ nhõm cho một chuyện đã qua. Vậy là tôi đã đi qua thêm một chặng đường nữa, nhưng tại sao tôi lại không thấy vui vẻ gì. Trong tôi tự nhiên có một cảm giác mông lung thật khó tả.

Tôi không biết tương lai phía trước tôi là những gì. Mọi thứ đều quá mập mờ trong mắt tôi. Tôi chưa bao giờ thấy mình phải lâm vào tình cảnh như thế nào trước đây. Tôi như rơi vào một hố sâu hun hút không lối thoát.

Có nhiều lúc tôi muốn dán chặt mình vào chiếc giường trong phòng để được tự do gặm nhấm những than thở, những sầu não ở sâu tận trong tâm trí tôi dẫu biết những việc này là vô ích. Tự nhiên tôi muốn đi đâu đó thật xa, đến một nơi mà tôi không còn quen biết ai, không còn phải làm khổ ai và không còn phải lựa chọn ai.

Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ nhất thời thôi của tôi mà thôi. Vì vài ngày sau tôi sẽ buộc lòng quên hết ráo. Kể từ ngày tôi bị gẫy chân, có không ít những người đến thăm tôi, hầu hết là bạn của ba tôi và có một số tôi đã từng gặp ở võ đường nên cũng không ngạc nhiên lắm.

Tuy nhiên những người mà tôi có thể trò chuyện thoải mái được chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng hạn như tụi Huy đô. Vào tầm đầu giờ chiều sau khi anh em thằng Đức về không lâu, bọn nó đã đến. Chắc có lẽ hôm qua bọn nó không đến thăm được nên khi chào ba tôi xong, thằng Huy đã lật đật xông vào phòng như đòi nợ:

-Thằng Phong đâu rồi, bọn tao đến thăm nè!

-Uầy, tụi bây làm gì mà rống cổ lên thế, không thấy tao đang nghỉ ngơi hả?

Tôi lều bều ngồi dậy, kết thúc buổi ngủ trưa đầy gián đoạn.

-Hề hề, có gì đâu, thường ngày qua nhà mày tụi tao vẫn vậy mà!

-Bậy, từ đây về sau qua nhà tao phải nhỏ nhẹ một chút, không cái chân tao khó hết lắm!

-Xạo đi mày, làm như chân mày có lỗ tai á.

Cả bọn lắc đầu lè lưỡi làm tôi quê thấy tía, nhưng vẫn cố vớt vát:

-Nhưng tao cũng có lỗ tai mà!

-Thằng này què giò mà còn thích cự mạy. Tao đập cho què chân còn lại giờ!

Rồi nó đưa cho tôi một ly nước mía còn để trong bịt. Tuy nhiên tôi không lạ gì trò ranh mãnh của bọn này. Chưa bao giờ nó tốt với tôi lạ thường đến thế, chắc chắn là có điều gì đó mờ ám trong ly nước mía.

Thấy tôi cứ nhìn lom lom ly nước mía mà chưa uống, có lẽ thằng Huy đã biết được trong đầu tôi đang nghĩ gì, nó nhếch môi cười đểu:

-Tao bỏ độc vào ly nước mía đó, mày uống vào xùi bọt mép rán chịu!

-Gì ghê mày!

-Chứ mày nghĩ có gì trong đó mà mày không dám uống!

-Hề hề, thấy tụi mày tốt đột xuất tao sợ!

-Bởi, mày bị què giò cũng đáng lắm. Hôm nay tụi tao đá banh ăn tụi xóm trên nên mua thêm một phần cho mày chia mừng thôi…

Nghe bọn nó nói tôi mới nhìn kĩ lại. Bọn nó đang mặc áo đá banh và áo cũng đã lắm lem vết dơ làm tôi thấy an tâm hơn vào ly nước mía đang cầm trên tay. Tuy nhiên Huy đô vẫn muốn chơi đểu:

-Mà nếu mày không uống thì thôi vậy, đưa đây tao cũng còn khát lắm!

-Bậy rồi hề hề! Uống chớ!

Mà không biết cái tụi này vô tính hay cố ý, tự nhiên nó lại nhắc đến niềm đau đang chôn giấu của tôi:

-Ê, mày quen với nhiều nhỏ con gái vậy mà, mày bị vậy tụi nó có tới hỏi thăm mày nhiều không?

-Sặc, mày hỏi chi?

-Thì tao tò mò! Tại lúc mày bị thương như này, nhỏ con gái nào thích mày nó lo cho mày ghê lắm!

-Tao thì ngoài Noemi ra có ai nữa đâu!

-Ừ ha, Noemi là bạn gái mày mà, không chăm cho may thì ai chăm?

Nó gật gù vuốt cằm như ông cụ non làm tôi cảm thấy có chút nhồn nhột trong người. Cực chẳng đã tôi mới gắt nhẹ:

-Ê, tụi bây qua đây thăm tao hay điều tra tao vậy?

-Đâu, hề hề! Tại lo cho mày thôi!

-Lo cho tao hay lại tòm tèm mấy nhỏ con gái thế!

Bị bắt trúng tim đen, mặt nó phòng ra như cái bánh bao nhưng vẫn cố gắng chống chế:

-Thì tao là con trai mà, không thích con gái chắc tao bê đê à!

Câu nói của nó làm cả bọn cười lăn, nhưng chắc chỉ có tôi cười nhiều nhất vì thằng Bình với thằng Tú có cho vàng cũng không dám cười lớn với đại ca của mình.

Chuyện trò linh tinh chỉ có thế, bọn thằng Huy chỉ ở lại với tôi thêm nửa tiếng nữa rồi ra về, trả lại cho căn phòng sự yên tĩnh vốn có. Bọn nó là một trong số ít những người đến thăm làm tôi thót tim nhất. Kế đến phải kể tới nhỏ Nhung.

Nhỏ qua thăm tôi trong một buổi chiều nắng sau đó hai ngày. Ấn tượng đầu tiên của tôi về buổi thăm đó là một bịt chôm chôm to tổ bố do nhỏ đem tới. Tôi vốn đã không thích ăn trái cây, mấy ngày nay cứ mỗi lần ai đến thăm là trái cây cứ chất chồng trong phòng ăn không sao hết nổi. Nay thấy bịt chôm chôm của nhỏ Nhung tôi đã ngán thấy tía.

Nhỏ Nhung đương nhiên không biết nổi lòng đó của tôi, nó thấy tôi nhìn lom lom bịt chôm chôm tưởng tôi thèm nên mở miệng bịt ra đặt ngay góc bàn trước mặt tôi:

-Ông buồn miệng không ăn tý chôm chôm nè!

-À ừ, bà cứ để đấy, lát tui ăn sau!

-Ừa, chân ông sao rồi!

-Lúc đầu đau nhưng giờ ổn rồi!

-Ùm…

Nhỏ gật gù đầu rồi ngắm nhìn một loạt quanh phòng của tôi. Chắc có lẽ do lâu ngày gặp lại nên bọn tôi cũng không biết nói gì với nhau. Mà lúc trước tôi với nhỏ Nhung cũng có lần nào nói chuyện với nhau đàng hoàng như bây giờ đâu, toàn là những lúc chọc ghẹo nhau.

Trong lúc tôi đang suy nghĩ chuyện để nói, nhỏ bỗng quay sang hỏi khiến tôi giật thót:

-À con bé Noemi có hay qua thăm ông không? Bạn gái ông mà.

-Ừ..ừ…cũng có!

-Ừm, thảo nào căn phòng lại gọn gàng như vậy, nhìn là biết không phải do ông làm rồi!

Quả thật nhỏ Nhung liệu việc như thần, nó đoán trúng phóc việc con bé Mi đã đến phòng tôi dọn dẹp. Nếu nó mà đoán ra con bé Mi vừa rời khỏi phòng tôi cách đây mấy tiếng thì chắc tôi bái nó làm sư phụ luôn.

Sau khi “rà soát” căn phòng của tôi, nhỏ ngồi xuống chiếc ghế gần đó nhìn tôi có phần ái ngại:

-Sao ông hay bị gãy chân gãy tay nhỉ, lúc trước đâu có nhiều như giờ!

-Thì…lúc trước khác, bây giờ khác!

Tôi buộc miệng nói đại một câu tiếp lời nhỏ Nhung. Nhưng trong bụng tôi lại âm thầm tán thành với nhỏ.

Lúc hồi cấp 2 tôi quậy phá, lêu lỏng bao nhiêu thì càng khỏe bấy nhiêu. Còn bây giờ tôi đường hoàn nghiêm túc bao nhiêu thì mọi tai họa cứ ập vào đầu tôi bấy nhiêu. Có nhiều lúc tôi nghĩ đây cũng là một quả báo của nghiệt đào hoa cũng không chừng, thiệt là khổ!

-Mà này, còn mấy đứa con gái bạn ông hổm rài có tới thăm không?

-Bà nói ai?

Câu hỏi của nhỏ Nhung làm tôi chợt giật thót.

-Thì bà Lam Ngọc đó, lúc trước có tặng sôcôla cho ông còn gì?

Trong hàng trăm hàng vạn câu hỏi để thăm người bệnh có rất nhiều câu rất hay, rất ý nghĩa nhưng nhỏ Nhung lại đi chọn một câu hỏi dở ơi là dở. Đang yên lành vui vẻ nhỏ lại hỏi tôi một câu làm cả bầu trời trên đầu tôi dường như muốn sụp đổ. Vết thương vừa mới lành trong tim lại bị nhỏ làm toẹt ra ứa máu.

Thấy tôi cứ trầm ngâm không trả lời câu hỏi, nhỏ lại càng hỏi bạo:

-Sao vậy, bộ có chuyện gì hả?

-Không đâu, tự nhiên thấy mệt!

-Mệt sao, kể tui nghe tui giúp cho ông?

-Thôi bà không giúp được, cứ ngồi nói chuyện với tui được rồi!

Mà cũng công nhận nhỏ Nhung là một đứa tiếp thu tốt. Sau khi ba lần bốn lượt hỏi tôi không thành công, nhỏ cũng không muốn hỏi nữa. Nhưng tôi chưa kịp xếp nhỏ vào nhóm những người hiểu chuyện thì nhỏ đã phá tan tành bằng một câu hỏi có thể giết người:

-Mà cái cô mắt xanh khi nào mới về vậy?

-Hả, bà nói Lan…à không Lanna hả?

-Ừ chứ còn ai nữa, năm trước tui nghe nhỏ đi nước ngoài làm gì ấy, tới giờ chưa về sao?

-Ừ chưa, nhưng chắc hè sẽ về!

-Thế thì hay quá, khi nào Lanna về nói tui tiếng tui chạy sang chơi hen?

-Ừ, rồi!

Với một nửa hồn đã chết, tôi chỉ đáp ậm ừ cho qua chuyện mong để tiễn con nhỏ Nhung xớn xác này về sớm. Thế mà với câu hỏi cuối của mình, nó làm nửa hồn còn lại của tôi chết luôn, chết hẳn:

-Mà ông quen em gái của bà Lanna, mai mốt về có cần gọi nhỏ là chị không nhỉ?

-Tui không biết!

-Nếu không sau này ông cũng phải kêu thôi, nên tập làm quen từ từ!

Cơn thịnh nộ đã dân tới đỉnh đầu chỉ chực xì khói ra hai lỗ tai, tôi rít:

-Bà Nhung này, từ đó giờ có ai muốn giết bà chưa?

-Chưa, sao vậy? – Nhỏ vẫn thản nhiên.

-Vậy thì tui sẽ là người đầu tiên đó, nếu bà còn nói nữa!

Tới lúc này nhỏ mới phá ra cười giả lả:

-Thôi ông đừng giận, thấy ông cứ ũ rũ trong phòng tui chọc cho ông vui thôi chứ có ý gì đâu!

-Chọc kiểu gì không vui tý nào!

-Hề hề, thôi cũng trễ rồi, tôi phải về nấu cơm đây, ông có gì khó khăn cứ gọi tui sang giúp cho!

-Ừ được rồi, cám ơn bà nhiều!

Có thể nói cũng nhờ bị chấn thương như thế này mà tôi có thể thăm những người thân của mình mà không cần phải ra khỏi nhà. Trong những ngày tiếp theo cứ lần lượt những người quen của ba tôi đến rồi đi cũng với những món đồ trị thương gia truyền được biếu tặng, Vết thương trong trái tim tôi cũng vì vậy mà ngủ quên đi mất.

Tuy nhiên chiếc chân đau đồng nghĩa với việc tôi phải tạm xa rời những trò chơi với tụi thằng Huy. Xa rời bãi cát, xa rời bãi diều, xa rời sân cỏ và xa rời cả chúng bạn. Những ngày rảnh rõi ngồi nhà không có ai tới thăm tôi thường xem TV, xem chán rồi lại lăn xe ra ngoài bãi sân nhỏ trước cửa để ngắm nhìn những chậu cây hằng ngày được ba tôi cắt tỉa cẩn thận.

Nhưng có lẽ tôi phải cảm ơn cái thằng đã làm gãy chân tôi rất nhiều. Nhờ có nó tôi mới có thể sống chậm lại và không bỏ xót những thứ quý giá xung quanh mình.

Đó là vào một buổi chiều tôi ra sân ngắm nghía cây cỏ như thường lệ. Nhưng hôm nay sân vườn nhà tôi có một thứ gì đó khan khác. Đó là một chậu hoa lan ũ rũ được treo trên dây kẽm gần cửa sổ.

Tôi bối rối nhìn nó và chợt nhận ra đây là người bạn mà tôi đã bỏ quên từ rất lâu.

Chậu hoa Lan mà Ngọc Lan đã tặng tôi.

Dù chân vẫn còn đau nhưng tôi vẫn cố đứng dậy với lấy chậu hoa đó ôm vào lòng mà ngồi xụp xuống bậc thềm trước cửa.

Đúng là nó, chậu hoa lan mà Ngọc Lan đã tặng tôi trong dịp noel năm xưa. Nhưng sao nó lại ở đây héo úa trước khung cửa sổ nhà tôi sau gần một năm mất tích?

Người duy nhất lúc này có thể trả lời được đó chính là ba tôi, người chăm sóc số cây ngoài vườn này hằng ngày. Thế nên tôi gọi lớn:

-Ba ơi, ai treo chậu lan này ở cửa sổ vậy?

-À, chậu lan đó hả – tiếng ba tôi lớn dần cho đến trước cửa – hồi sáng tao kê lại mấy chậu kiểng thì thấy nó nằm sau mấy chậu gần đó đó! Chậu này của mày à?

-Dạ..à…ừm…là của con!

-Giờ thì tao nói mày là thằng vô dụng được chưa Phong?

-Dạ sao ba?

Thấy tôi vẫn còn trơ mắt ếch nhìn, ba tôi cau mày chỉ vào chậu hoa tôi đang cầm trên tay:

-Bản thân mày lo chưa xong, mày trồng hoa làm chi để nó héo thế này, biết hoa này quý thế nào không hả?

Bình thường thì tôi có lẽ chống chế mấy câu ngay vì thế nào ông cũng tìm cớ này, hoặc cớ nọ để la rầy tôi. Nhưng hôm nay tôi im lặng hoàn toàn, không phải vì tôi sợ ông mà là ông nói quá đúng.

Chậu hoa này là chậu hoa Ngọc Lan thích nhất, nàng giao cho tôi như một món quà quý giá và tôi có nghĩa vụ phải chăm sóc nó cẩn thận. Nay nhìn nó với vẻ héo úa hiện giờ, trong lòng tôi không khỏi thấy áy náy và xót xa. Nếu Ngọc Lan biết được, chắc nàng sẽ giận lắm, thậm chí nàng sẽ không muốn nhìn mặt tôi nữa. Thế nến tôi đành để ba tôi la mắng như một hình phạt dành cho mình và chỉ ngước lên nhìn ông khẩn khoản:

-Ba ơi, có cách nào cứu chậu lan này không ba?

Thoạt đầu ba tôi có hơi bất ngờ bởi biểu hiện lạ của tôi, nhưng rồi ông nhìn vào chậu lan tôi đang cầm tặc lưỡi:

-Bị bỏ lâu vậy rồi mà rể nó vẫn chưa thúi là hên rồi, sau tao biết đường cứu được!

-Vậy là nó sẽ chết sao?

Tôi thở dài ngồi xuống ghế, mắt vẫn nhìn đăm đăm vào chậu hoa mong sẽ có một phép lạ nào đó làm nó sống dậy. Tuy nhiên nó vẫn như vậy, héo úa, ũ rũ như một người bị bỏ đói lâu ngày.

Vậy là tôi sắp thất hứa với Ngọc Lan, tôi không thể nào chăm sóc chậu hoa tốt như những gì đã hứa với nàng được, chắc chắn nàng sẽ giận tôi và không thèm nhìn mặt tôi nữa.

Có lẽ thấy thằng con của mình vì một chậu hoa từ đâu rơi xuống mà ngồi thẫn thờ như thằng mất hồn, ba tôi đâm quạo, ông gắt:

-Có một chậu hoa mà mày làm ghê vậy, tốn cả đống tiền mua không trồng được giờ tiếc à?

-Không phải đâu ba, người ta tặng…

-Tặng thì mày càng đáng trách hơn nữa, đồ tặng mà mày vứt lung tung như thế thì ai dám chơi với mày nữa hả con?

Câu nói của ông làm tôi đâm chột dạ. Nó nhắc tôi nhớ lại cách đây hơn 10 năm Lam Ngọc đã tặng cho tôi con gấu bông và tôi đã suýt đánh mất nó chỉ vì tính bất cẩn của mình. Bây giờ lại một lần nữa tôi sắp phải chia xa chậu hoa mà Ngọc Lan thích nhất chỉ vì cái tính đó.

Nhưng trong thâm tâm tôi thực sự không muốn mất nó chút nào, đó là món quà đầu tiên Ngọc Lan tặng cho tôi, nếu tôi không giữ được thì tôi không còn mặt mũi nào nhìn nàng nữa. Vậy nên tôi lật đật ôm chậu hoa chống nạn vào nhà mặt cho ba tôi cứ đứng sững đó đó không hiểu chuyện gì đang xảy ra với thằng con trai của mình.

Giờ này chỉ có một người có thể giúp tôi được đó là Toàn phởn. Tôi còn nhớ nhà nó treo rất nhiều những chậu lan như thế này ngoài sân. Chắc chắn nó hoặc người trong nhà của nó sẽ biết cách săn sóc chúng. Thế nên tôi chạy vào nhà nhấc điện thoại lên gọi cho nó ngay:

-Alô, tao Toàn đây, có chuyện gì à?

-Ừ, tao có chậu lan nó bị héo rồi, mày biết cách cứu không?

-Đù, mày giờ cũng thích chơi cây cảnh hả?

-Ừ thì rảnh rỗi tính trồng đỡ buồn thôi, sao được không mày?

-Về trồng lan thì tao cũng biết chút chút có gì để tao hỏi ba tao, nhưng mà phải coi cây của mày sao nữa.

-Thì nó bị héo hết rồi, lá vàng, thân cũng vàng, còn rễ thì chỉ bị thúi một phần!

-À à, rồi để đợi tao xách đồ nghề qua coi cây bông của mày thử, hề hề!

Toàn phởn nói là làm, chỉ trong vòng nửa tiếng sau, tiếng xe của nó đã oang oang trước cửa. Ba tôi vừa mở cổng, nó liền xách theo cái túi đen mà theo như nó nói là cái túi đồ nghề vào thẳng chỗ tôi đang ngồi mặt phơn phởn:

-Đâu, chậu bông của mày đâu, đưa anh check phát!

-Đó, coi gì coi đi! Nhớ cẩn thận đó!

Tôi cẩn trọng trao cho nó chậu bông của Ngọc Lan như cách người ta nâng niu một báu vật vô giá.

Toàn phởn cầm chậu bông của tôi, nó ngắm nghía một lượt cả chậu rồi tia mắt vào những chỗ nhỏ trên cây. Thỉnh thoảng nó lấy tay sờ sờ vào những táng lá úa còn bám víu vào thân cây. Mãi đến một lúc sau, nó mới vuốt cằm kết luận:

-Chắc do mày bỏ nó lâu ngày quá, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng đủ thứ nên mới vậy đây mà. Cũng may là bộ rễ chưa bị thúi nhiều!

-Thế sao mày, có chữa được không?

Tự nhiên tôi thấy mình hỏi một câu y như trong phim người ta thường hỏi bác sĩ. Đồ rằng Toàn phởn mà trả lời những câu đại loại như “Tao đã cố hết sức” hoặc “tao đã tận sức rồi” chắc tôi sẽ đau tim mà chết. May sao Toàn phởn là một “bác sĩ” có tâm:

-Ừ, chữa thì được những phải tốn thời gian với công sức khá lâu đấy!

-Không sao, miễn là chữa được!

-Chà, mày quí chậu bông này quá nhỉ, của em nào tặng chứ gì?

Toàn phởn nói chơi mà trúng phóc. Và không cần phải đợi tôi nói ra, nó nhìn cái mặt đang ngệch đi lúc này của tôi cũng đủ hiểu câu trả lời như thế nào. Nó chỉ hỏi để biết thêm:

-Em nào đấy?

-Thì chậc, là Lanna!

-Lanna? Từ hồi nào vậy?

Toàn phởn thản thốt. Có lẽ nó vẫn không tin món quà trước mặt do Ngọc Lan đích thân tặng cho tôi.

-Thì lâu lắm rồi, từ hồi năm lớp 10 lận!

-Năm lớp 10?

Mặt nó càng đực ra bạo. Chắc nó bất ngờ lắm, khi không từ đâu lại mọc ra chậu hoa Ngọc Lan tặng tôi từ hồi xa lắc xa lơ tới giờ. Nhưng rồi sau một lúc chiêm nghiệm nó lại nhìn tôi theo phong cách phởn quen thuộc:

-À, mày cũng biết ím hàng ghê nhỉ?

-Chứ sao mạy, hề hề!

-Ừ, ím tới héo queo luôn!

Tôi biết nó đang đá xoáy tôi cái vụ để cho cây bị héo, nhưng thân đang phải nhờ vào nó, tôi không thể động thủ cốc đầu nó như mấy lần trước được, đành cười giả lả lảng chuyện ngồi nhìn Toàn phởn tìm cách cứu chậu hoa.

Sau một lúc loay hoay cắt tỉa, rắc đủ thứ bột lên cây lan của tôi, Toàn phởn bỏ nó vào một chiếc bao nilon rồi treo nó lên gần cửa sổ nơi tôi vẫn thường đặt chậu hoa ở đó. Nhìn cành lan héo tong teo trong bao nilon, tôi thản thốt:

-Rễ của nó đã gần héo rồi, m còn bứng lên treo tòn ten trên đó làm gì vậy?

-Mày ngáo quá, tao cắt hết rễ cũ rồi, giờ treo lên đợi nó mọc rễ mới rồi mày đem trồng trong chậu lại!

-Chà, công phu quá nhỉ, thế chừng nào nó mọc rễ lại?

-Ai biết, có khi nó héo luôn không chừng!

-Đệt, thật à?

-Đùa thôi, 3-4 tuần nữa mới biết kết quả lận!

-Hề hề, cảm ơn mày nhiều nghen!

Tuy nhiên Toàn phởn không đáp lại lời cảm ơn của tôi. Nó lưng lững đi về chiếc ghê sô pha gần đó tựa hẳn lưng vào mà thở dài:

-Tao đã từng suy nghĩ rất nhiều Phong à. Về nguyên nhân gây ra tình trạng của mày hiện giờ ấy!

-Của tao à?

-Ừ, có lẽ tao đã sai từ đâu khi giúp mày trong mọi chuyện rồi.

-Nhưng tại sao? – Tôi sững người.

-Từ hồi đầu năm lớp 10 đến giờ việc gì mày cũng nhờ tao giúp. Từ những chuyện vặt vảnh cho đến chuyện tình cảm, tao đều chỉ hướng đi cho mày. Không phải tao ích kỉ không muốn giúp đỡ mày hay gì nhưng tao phải thừa nhận, việc đó đã làm cho mày càng ngày càng thiếu quyết đoán và tự lập đấy!

-Nhưng bây giờ tao phải làm sao?

-Tao nghĩ từ bây giờ mày nên tập dứt khoát hơn đi. Con đường là do tự mày chọn, yêu ai là do tự mày cảm nhận. Tao có thể giúp mày cứu chậu lan, nhưng không thể giúp mày cứu bản thân mày được.

-Ừ tao hiểu rồi!

Tôi thất thiểu ngồi bệch xuống chiếc ghế. Cả thân người tôi đã bị đánh sập hoàn toàn bởi những câu nói của Toàn phởn. Nó nói đúng, tôi có thể nhờ nó một hai chuyện lặt vặt, nhưng không thể nhờ nó mãi được. Sẽ có lúc tôi phải tự lựa chọn con đường đi cho chính bản thân mình. Thế nên có lẽ tôi sẽ phải tự lập hơn để tự cứu lấy cuộc đời mình.

Toàn phởn chỉ ngồi thêm một lúc nữa rồi nó rời đi nhanh cũng như lúc đến. Tôi cảm giác như nó đã được bề trên sai xuống để giúp tôi vậy, chỉ cần vài câu nói của nó tôi đã thấm thía rất nhiều.

Có lẽ, tôi sẽ tự đi tìm câu trả lời cho chính bản thân mình rằng, tôi thật sự yêu ai?

Đang có 0 bình luận
Image

Lời bình luận giới hạn từ 15 đến 500 kí tự.